(iHay) Chúng ta để dành quá nhiều điều nên hưởng thụ khi còn trẻ mà quên rằng mỗi ngày mình sẽ già thêm. Cuộc đời không phải chiếc tủ lạnh khổng lồ để chúng ta cứ cất trữ điều này, điều kia. Mà ngay cả với tủ lạnh, mọi thứ cũng vốn có hạn sử dụng cơ mà.
>> Blog của May: Bí kíp vui ngày tết của nàng độc thân
Hồi bé, tôi thường có thói quen để dành phần ngon nhất của đồ ăn để ăn sau cùng. Ví dụ như khi ăn dưa hấu, bao giờ tôi cũng ăn từ ngoài vào trong để thưởng thức sau cùng phần ruột ngọt nhất của miếng dưa. Nhiều khi mới cắn hết vòng ngoài, lỡ tay đánh rơi cả miếng dưa xuống đất, trong đó có phần ngọt nhất mình còn chưa kịp ăn.
Bây giờ mỗi lần mở tủ lạnh để lấy đồ ăn, vẫn cứ giữ thói quen lựa trước mấy trái cà chua đã chín mềm, bó rau đã hơi héo để ăn trước, thứ gì còn tươi ngon thì cứ giữ lại trong tủ. Rút cục, đồ tươi rồi cũng héo, mình cứ mãi phải ăn đồ héo mà không biết vị tươi ngon ban đầu ra sao.
Tôi nhớ một cuốn truyện thiếu nhi đọc từ cách đây hơn chục năm, kể về một cô bé nghèo sống trong trang trại. Cô tích cóp mãi mới đủ tiền mua một cây kẹo mút, mỗi lần chỉ dám mút một tí rồi lại gói cẩn thận vào giấy gói, cất đi hôm sau ăn tiếp. Không nhớ cây kẹo mút của cô bé giữ được mấy ngày trời, nhưng chắc chắn nó sẽ chẳng còn ngon được như lần đầu cô bóc nó ra. Cô để dành vì cô là một cô bé nghèo và kẹo mút là thứ xa xỉ. Nhưng chúng ta lại cũng luôn có thói quen để dành những thứ không thể dành được, tuổi trẻ của chúng ta, tình yêu của chúng ta, thời gian của chúng ta…
Sự thích thú một điều gì đó cũng như một cơn nghén, chúng ta thèm ăn chính xác một món ngay trong ngay lúc ấy, và cần được đáp ứng ngay. Giây phút ấy qua đi, chúng ta sẽ lại thèm sang món khác, thích thú sang điều khác. Bởi lẽ, cơn nghén không thể để dành.
Bạn thích đến phát điên một chiếc váy và nhất quyết mua nó về, nhưng rồi lại treo nó hoài trong tủ vì chẳng có sự kiện nào đủ trọng đại để diện. Nhưng liệu khi sự kiện trọng đại đó đến, bạn có chắc mình vẫn muốn mặc chiếc váy đó, chắc rằng nó không lỗi mốt hay bị chuột gặm, cũ kỹ, ố màu. Tốt nhất hãy lôi nó ra khỏi tủ, vận vào người và ra phố ngay đi. Nếu bạn muốn mình đẹp, ngày nào chẳng là trọng đại.
Chúng ta đều chỉ có 24 giờ mỗi ngày, và dù bạn có ngồi yên không làm gì thì 24 giờ ấy cũng sẽ không thể dành dụm. Nếu sáng nay bạn không dậy sớm ngắm bình minh, mặt trời cũng sẽ mọc, ngày mới vẫn sẽ đến và qua đi. Trong một ngày đó, có một câu cửa miệng mà nhiều người hay sử dụng thành quen: “Để khi khác”. Chúng ta nói vậy để từ chối chơi cùng con, từ chối chuyến du lịch bạn rủ, lùi đăng ký học một lớp tiếng Anh, hoãn lại việc giảm cân… Hầu hết, “để khi khác” nghĩa là không bao giờ.
Vậy trong khoảng thời gian “để khi khác” ấy, chúng ta làm những gì? Chúng ta dành thời gian miệt mài chát chít trên Facebook mà lại không có thời gian gặp gỡ bạn bè. Chúng ta vất vả kiếm tiền mua một bộ loa cho âm thanh trung thực, sắm vài chậu cây con con đặt trên bàn mà lại không dùng tiền đó, thời gian đó đi du lịch lắng nghe và ngắm nhìn thiên nhiên thực sự.
Chúng ta dành chiếc váy đẹp cho dịp đặc biệt không biết bao giờ đến, mặc kệ mình “xấu xí” hết ngày này ngày nọ. Chúng ta dành thời gian đăng ảnh con trên mạng xã hội mà lại kêu bận khi cần chơi với chúng. Chúng ta để dành quá nhiều điều nên hưởng thụ khi còn trẻ mà quên rằng mỗi ngày mình sẽ già thêm. Cuộc đời không phải chiếc tủ lạnh khổng lổ để chúng ta cứ cất trữ điều này, điều kia. Mà ngay cả với tủ lạnh, mọi thứ cũng vốn có hạn sử dụng cơ mà.
Giới trẻ dạo này hay truyền nhau câu khẩu hiệu “You only live once”, nghĩa là bạn chỉ sống được một lần trong đời. Nhưng hô hào thì dễ, làm thì trầy trật. Cứ khẳng định mình trẻ, mình quyết liệt mà vẫn khất lần với cuộc đời thôi. Lẽ ra hôm nay đi học tiếng Anh, mà đi qua cửa trung tâm thấy ngại ngại lại “để khi khác”. Lẽ ra bữa tối nay bắt đầu chiến dịch giảm cân nhưng đồ ăn ngon quá lại “để mai”. Ước ao một chuyến du lịch bụi nhưng khi được rủ lại sợ ốm, sợ rét, sợ xa. Đứa con gái nhỏ ôm búp bê kéo gấu áo bạn đòi chơi cùng, bạn lại kêu ba mẹ bận lắm, bận lắm, để khi khác…
Cứ thế, cứ thế, đến khi bạn mở tủ lạnh và thấy trái cà chua còn tươi hôm trước nay đã héo, hộp kem để dành hôm qua nay đã chảy, chiếc váy đẹp giờ chẳng còn nhét vừa thân hình quá khổ, chân đã chẳng còn khỏe cho chuyến leo núi dài ngày, người đàn ông “để dành” khi xưa nay đã cưới vợ, hay con cái đã lớn và bạn chẳng còn cơ hội được chúng ôm lấy chân, lẽo đẽo bi bô như hồi còn bé, bạn mới thấy cuộc đời mình vốn không đáng bị “để dành”.
Blog của May
Ảnh minh họa: Shutterstock
>> Blog của May: Tình dục là chuyện… lớn
>> Blog của May: Khi yêu online là sống giả như thật
>> Blog của May: Những điều không nên nói với tình cũ
>> Blog của May: Nếu yêu, đừng quỳ dưới chân nhau
Bình luận (0)