Hồi đó, nhà tôi có thằng Bíu, dáng cao như chó Phú Quốc, bộ lông vàng mướt rượt. Dù đã đi qua mấy mùa động đực, “dính lẹo” không biết bao nhiêu lần mà tính nết vẫn như trẻ con tăng động, ngáo ngáo, khùng khùng. Ngày nào nó cũng chực chờ, ai đó mở cánh cổng là phóng ra ngoài, chạy đi kiếm chó cái láng giềng.
Cách nay cũng tầm chục năm, quán thịt cầy đầy dẫy phố phường. Ở TP.Cần Thơ, nơi tôi ở, đường Trần Văn Hoài bị dân nhậu đổi tên thành “Tr.V. Cầy”. Bọn trộm chó thì “đông như quân Nguyên”, quần thảo khắp các hẻm, hốc. Vắng như chỗ tôi, bọn trộm chó rảo mỗi ngày. Lo cho thằng Bíu nên tôi thường hăm doạ nó “có ngày vô nồi”, nhưng nó vẫn vô tư với sở thích đào lỗ xuyên dưới hàng rào để đi chơi “tán gái”.
Chuyện gì đến cũng đến. Hôm tôi đang ngồi sơn lại ban công nhà, chợt nghe tiếng động ngoài hàng rào. Có bóng người ôm gì đó thoắt lên chiếc xe nổ máy chờ sẵn. Mất vài giây, tôi sực nghĩ đến thằng Bíu, tông cửa chạy nhanh ra đến cổng thì tiếng xe của hai tên trộm chó chẳng còn nghe thấy.
Tôi đi khắp các quán thịt cầy, lò mổ để tìm thằng Bíu... Những quán cầy Nam Định, Thanh Vân, Bảy Du, Thái Bình, Quê Hương, Lão Trư… quán nào cũng nhốt sẵn cả chục con chó ở cũi phía sau, nhưng không có thằng Bíu. Nhìn những con chó rên “hư hử” chờ mần thịt, tôi ước, giá có tiền, tôi chuộc hết tụi nó ra, dù không biết đưa tụi nó đi đâu. Hai ngày trôi qua, xem như thằng Bíu đã hóa kiếp. Ba tôi còn thắp cho nó nén nhang. Thằng Bíu không phải là đứa đầu tiên tôi đi chuộc, nhưng sau tai nạn của nó, tôi làm quen một ông chủ quán thịt cầy. Bởi vì nhà mình không thể không nuôi chó, quen chủ quán cầy biết đâu có ngày nhờ.
Đúng thật. Sau lần đó, tôi chuộc chó rất kịp thời được 3 lần. Cứ hay tin chó ở nhà bị bắt là tôi a lô ngay cho chủ quán cầy quen nhờ tìm dùm. Tôi phải nhắn một cái tin: tên chó là gì, màu lông, cân nặng và khu phố bị bắt. Chủ quán cầy dựa vào đó rà các “đài” của mình. Theo ông, trong hội thịt cầy của thành phố, các quán quen nhau cả.
Năm đó, con Lili nhà tôi là giống chó xù Bắc Kinh bị bắt, tôi phải chuộc hết 1 triệu đồng. Qua hai ngày nó vẫn sống, tưởng nó hên nhưng ai dè bà chủ quán cầy gần cầu Rạch Ngỗng, đường Mậu Thân chê nó ít thịt, lên đĩa chẳng được bao nhiêu nên để lại, ai thích thì bán.
Đến thằng Beo (gọi nó là Beo vì lông nó vện như con beo vậy), tôi đưa nó về từ một trại gà của học trò bà ở Vũng Tàu. Nghe kể, lúc đó nó bé xíu, sống trong hang, cơ thể dường như để nuôi ve. Vậy mà trông vẫn mập mạp chắc nhờ được ăn gà chết suốt ngày. Hôm mẹ tôi đến, nó ra khỏi hang, sà vào tay bà liếm. Bà thấy thương xin nó về nuôi. Ngồi ôm thằng Beo trên xe với cái vỏ chai Lavie 500ml, từ Vũng Tàu về đến gần Sài Gòn, mẹ tôi nhặt được khoảng gần nửa chai ve chó.
Lớn lên xíu, tính thằng Beo y chang thằng Bíu cũng ngáo ngáo, khùng khùng, chỉ được cái giữ nhà thì rất sung. Có điều, mạng thằng Beo lớn hơn, bị bắt 2 lần tôi đều chuộc được. Nhưng kể cũng đau đớn cho thằng Beo, lần nào cũng bị bắn điện thúi cả thịt. Thê thảm nhất là lần chuộc thứ hai. Nó bị bắn điện lủng bụng ngay chỗ sườn non. Biết thằng Beo có người chuộc, cánh bắt chó đã lấy keo dán sắt để dán miếng da nó lại. Tôi trả gần 2 triệu đồng rồi đưa thằng Beo về nhà. Nó bỏ ăn, nằm rên “hư hứ”. Hôm sau, miếng da bụng tróc keo rớt ra ngoài, ruột nó lòi ra tưởng chết. Cũng may, nhà tôi quen nhiều bác sĩ thú y. Thằng Beo đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật cắt bỏ thịt hoại tử, phải đặt ống dẫn lưu… Hơn 1 tuần sau mới chắc sống 100%.
Nhưng rồi, số thằng Beo cũng tới vào khoảng 2 năm sau. Cũng vì cái nết chạy rông, không chừa. Lần này, tôi gọi nhờ tìm và chuẩn bị tiền chuộc nhưng không được nữa. Sau đó, nhà hàng xóm có chó bị bắt cũng nhờ tôi gọi hỏi chuộc nhưng cũng không có kết quả. Có lẽ chủ quán thịt cầy quen biết tôi làm báo nên hạn chế giúp không chừng.
Kéo nhau đi chọc phá xóm giềng - Ảnh: Đình Tuyển
|
Khoảng hai năm trở lại đây, xóm tôi yên bình hơn. Trộm chó không còn rảo như xưa. Mấy con chó trong xóm thi thoảng xổng ra vẫn chạy đến nhà khác chọc tức đồng loại bị nhốt trong nhà. Chúng cứ thản nhiên đái đánh dấu địa phận. Con này đái, con kia lại đái chồng lên. Mỗi chỗ đái một ít, vậy là trước nhà ai cũng khai mù. Quán thịt chó giờ cũng thưa thớt so với trước. Người ta bớt gọi đường Trần Văn Hoài là “Tr.V. Cầy” khi mà quán thị cầy đã nhường chỗ cho cà phê, trà sữa…
Cứ xổng ra ngoài, điều đầu tiên phải làm là đái để đánh dấu điạ phân - Ảnh: Đình Tuyển
|
Mấy hôm nay, thấy ở Sài Gòn có đội bắt chó trực thuộc cơ quan nhà nước. Nhìn cảnh mấy con chó bị tra tròng vào cổ quăng lên xe cũng thấy thương. Biết sao giờ, ai cũng có cái lý của mình, thôi thì chó ai, người nấy giữ, quản lý. Mà thiệt tình, cũng nên mừng vì nhỡ có bị bắt còn có chỗ mà chuộc. Chứ đi chuộc như tôi hồi xưa khổ mà hên xui lắm.
Bình luận (0)