Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm qua công bố tên người chiến thắng của giải Nobel Hóa học năm nay. Theo đó, chuyên gia Mỹ Richard Heck đã chia sẻ chiến thắng với các nhà nghiên cứu Ei-ichi Negishi và Akira Suzuki của Nhật Bản nhờ các công trình tiên phong trong lĩnh vực tạo ra các phân tử phức tạp. Cụ thể là “phản ứng nối mạch với palladium làm chất xúc tác trong tổng hợp hữu cơ” được 3 nhà khoa học độc lập tìm ra và hoàn thiện vào thập niên 1960-1970.
Nói một cách đơn giản, bộ ba đã tìm ra những phương pháp vô cùng hiệu quả để liên kết các nguyên tử carbon thành những phân tử phức tạp hơn. Phát kiến đột phá của họ mở đường cho vô số ứng dụng thực tiễn trong nhiều lĩnh vực, từ dược phẩm, thiết bị điện tử chính xác, các vật liệu công nghệ tiên tiến đến nông nghiệp.
|
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Stockholm, đại diện Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho hay nghiên cứu trên giúp con người có được những loại thuốc mới và các vật liệu mang tính cách mạng như nhựa dẻo. Được đánh giá là một trong những công cụ phức tạp và hiệu quả nhất cho các nhà hóa học hiện đại, phản ứng nối mạch đã cải thiện mạnh mẽ khả năng tổng hợp những chất phức tạp, vốn trước đó chỉ có thể tìm thấy trong tự nhiên. “Ít nhất 25% phản ứng hóa học trong ngành dược được dựa trên phương pháp này”, AP dẫn lời một thành viên của Hội đồng Nobel cho hay.
Carbon là một trong những nền tảng của sự sống. Từ thuở ban đầu của ngành hóa hữu cơ, các nhà khoa học đã tìm cách ứng dụng carbon để tạo ra những sản phẩm phức tạp, ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Tuy nhiên, carbon rất bền vững và các nguyên tử này không dễ dàng phản ứng với nhau. Phương pháp nối mạch dưới xúc tác palladium đã giải quyết vấn đề trên và cung cấp cho các nhà khoa học một phương tiện hiệu quả và chính xác. Trong các phản ứng của Heck, Negishi và Suzuki, các nguyên tử carbon gặp nhau trên nền nguyên tử palladium và phản ứng nối xảy ra.
Richard Heck, 79 tuổi, hiện là Giáo sư danh dự của Đại học Delaware, Mỹ. Ông Neghishi, 75 tuổi, đang làm việc tại Đại học Purdue, bang Indiana cũng thuộc Mỹ còn đồng hương Suzuki, 80 tuổi, vẫn đang nghiên cứu ở Đại học Hokkaido, Nhật Bản. AP dẫn lời phát ngôn viên của Đại học Hokkaido Hidetoshi Nakatsuka nói: “Giáo sư Suzuki là một tên tuổi lớn trong ngành hóa thế giới và chúng tôi đã chờ đợi chiến thắng này trong nhiều năm qua”. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cũng cho hay ông đã gọi điện chúc mừng ông Suzuki và được nhà khoa học khuyên nên “tận dụng nền khoa học phát triển vượt bậc của Nhật”.
Thụy Miên
Bình luận (0)