Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quyết định về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.
Theo đó, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của toàn bộ hệ thống đến hết 2026 là hơn 2,23 triệu biên chế.
Tổng số biên chế của toàn hệ thống nói trên đã giảm 5% cán bộ công chức và 10% viên chức so với năm 2021.
Số biên chế nói trên không bao gồm biên chế của công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Trong đó, tổng số cán bộ, công chức là 336.328 người.
Số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là hơn 1,68 triệu biên chế. Số này đã bao gồm 65.980 biên chế giáo viên được bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026.
Số biên chế các hội quần chúng được Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ ở T.Ư là 686 biên chế.
Số cán bộ, công chức cấp xã là 205.571 người. Số này tạm tính theo số liệu năm 2021, sau đó thực hiện theo Nghị định 34 năm 2019 của Chính phủ và giảm tương ứng theo lộ trình giảm đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2022 - 2026.
Số biên chế công đoàn tạm giao cho các địa phương là 1.358 người.
Số biên chế dự phòng là 10.100 người, gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức.
Chuyển 7.035 cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện
Nếu chia theo khối thì biên chế giao cho khối Quốc hội là 1.061 người, trong đó 787 người là công chức, 274 người là viên chức.
Bộ Chính trị quyết định giữ nguyên số lượng 140 đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV thực hiện theo đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Số lượng trợ lý, thư ký theo Quy định số 30 của Bộ Chính trị.
Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư có số biên chế là 6.285 người. Trong đó, 3.335 người là cán bộ, công chức; 2.950 người là viên chức.
Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương là 64.266 người, trong đó 55.949 người là cán bộ, công chức, 6.959 người là viên chức. Ngoài ra, tạm giao biên chế công đoàn 1.358 người.
Khối chính quyền địa phương có tổng biên chế là hơn 1,9 triệu người, trong đó 140.826 người cán bộ, công chức và 1,56 triệu người là viên chức.
Ở khối này, Bộ Chính trị quyết định chuyển 7.035 cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện. Đồng thời, giữ số cán bộ công chức cấp xã là 205.571 người.
Khối Chính phủ được giao tổng số biên chế là 210.830 người, trong đó 102.614 cán bộ, công chức và 107.530 viên chức.
Bộ Chính trị cũng quyết định giữ nguyên 1.068 biên chế cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 686 biên chế ở các hội đặc thù T.Ư.
Các khối TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước giữ nguyên số biên chế được giao từ năm 2012, 2013. Cụ thể, TAND tối cao có 15.237 biên chế, trong đó 15.137 cán bộ, công chức và 100 viên chức.
VKSND tối cao có 15.860 biên chế trong đó, 15.616 cán bộ, công chức và 244 viên chức.
Kiểm toán Nhà nước có 2.109 biên chế; trong đó có 1.974 cán bộ, công chức và 135 viên chức.
Văn phòng Chủ tịch nước có 90 biên chế, toàn bộ là công chức. Số này, theo quyết định của Bộ Chính trị, đã giảm 10% so với năm 2013.
Bình luận (0)