Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới

11/02/2024 08:43 GMT+7

Để phù hợp với quy định tại luật Căn cước, Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới thay thế cho thẻ căn cước công dân đang có hiệu lực.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước, để lấy ý kiến từ người dân và các cơ quan, tổ chức.

Thông tư này được xây dựng nhằm triển khai quy định mới tại luật Căn cước (có hiệu lực từ 1.7), thay thế cho luật Căn cước công dân đang có hiệu lực.

Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới- Ảnh 1.

Mẫu thẻ căn cước theo đề xuất của Bộ Công an, gồm mặt sau của thẻ, mặt trước của thẻ (bên trái) dành cho người từ 6 tuổi trở lên và mặt trước của thẻ (bên phải) dành cho người từ 0 - 6 tuổi

BỘ CÔNG AN

Thẻ căn cước công dân đổi thành thẻ căn cước

Theo dự thảo của Bộ Công an, mẫu thẻ mới sẽ có tên là căn cước, thay vì căn cước công dân như hiện nay. Điều này nhằm phù hợp với quy định tại luật Căn cước.

Về kích thước, hình dáng, thẻ căn cước cơ bản giống như thẻ căn cước công dân. Tuy nhiên, nhiều thông tin thể hiện trên mặt thẻ sẽ có thay đổi.

Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới

Trong đó, dòng chữ "căn cước công dân" đổi thành "căn cước". Mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú". Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội" thành "Bộ Công an".

Đặc biệt, theo đề xuất của Bộ Công an, trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải.

Đồng thời, 2 mục thông tin về "nơi đăng ký khai sinh" và "nơi cư trú" sẽ được chuyển sang mặt sau của thẻ căn cước, thay vì mặt trước của thẻ như hiện hành.

Tương tự, mã QR code cũng được chuyển sang mặt sau của thẻ, thay vì mặt trước như hiện nay. Thông tin trong mã QR code bao gồm: họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số chứng minh nhân dân 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).

Nhiều người băn khoăn rằng, với việc ban hành mẫu thẻ căn cước mới, hàng chục triệu thẻ căn cước công dân đã cấp thời gian qua có còn hiệu lực, người dân có phải đi làm lại thẻ?

Tại dự thảo thông tư, Bộ Công an nêu rõ, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước thì được cấp thẻ mới theo quy định.

Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới- Ảnh 2.

Từ 1.7, thẻ căn cước công dân sẽ được thay đổi thành thẻ căn cước

TUYẾN PHAN

Trẻ sơ sinh cũng được cấp thẻ căn cước

Một quy định mới quan trọng nữa tại luật Căn cước so với luật Căn cước công dân hiện nay, đó là người dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước (cấp theo nhu cầu chứ không bắt buộc).

Trẻ sơ sinh được cấp căn cước như thế nào?

Với thay đổi này, công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước sẽ phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Và để quy định chi tiết điểm trên, tại dự thảo thông tư, Bộ Công an đề xuất 2 mẫu thẻ cho người từ 6 tuổi trở lên và người từ 0 - 6 tuổi.

Trong đó, với người từ 6 tuổi trở lên, thẻ căn cước sẽ theo quy chuẩn chung, như đã đề cập ở trên. Với người từ 0 - 6 tuổi, mặt trước của thẻ căn cước sẽ lược bỏ ảnh của người được cấp thẻ.

Quá trình thảo luận về dự án luật Căn cước, một số kiến đề nghị không quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, vì sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí thực hiện.

Dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc này là phù hợp. Bởi lẽ, thông qua việc sử dụng thẻ căn cước, người dưới 14 tuổi có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ vào thẻ, giúp tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong việc cấp các loại giấy tờ này.

Mặt khác, thẻ căn cước nhỏ gọn, dễ bảo quản, tính bảo mật cao sẽ bảo đảm an toàn, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.