Ngày 8.10, Đảng uỷ Công an Trung ương đã tổ chức họp báo giới thiệu Đại hội Đại biểu Đảng Bộ Công an T.Ư lần thứ 7, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, Đại hội Đảng bộ Công an T.Ư lần thứ 7 tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13.10, tại Hội trường Bộ Công an - số 44 Yết Kiêu (Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Đại biểu triệu tập dự Đại hội 350, trong đó, có 26 đại biểu đương nhiên và 324 đại biểu bầu tại đại hội các tổ chức đảng trực thuộc.
Đại hội Đảng bộ Công an T.Ư lần thứ 7 sẽ thảo luận về 4 nội dung lớn, bao gồm: nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, phấn đấu đến năm 2030 tinh nhuệ, hiện đại; phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia;đảm bảo an toàn trật tự xã hội; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Công an đã thông tin nhiều nội dung liên quan đến việc tổ chức, đảm bảo an ninh cho Đại hội; các hoạt động nổi bật của lực lượng trong nhiệm kỳ vừa qua…
Trả lời câu hỏi Thanh Niên về việc báo cáo của Chính phủ đánh giá Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là các bộ có số lượng cấp phó vượt so với quy định, nguyên nhân vì sao, giải pháp khắc phục, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an, cho biết theo quy định quy định, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có 6 thứ trưởng, trong trường hợp đặc biệt sẽ có bổ nhiệm thêm, nhưng phải do Bộ chính trị và T.Ư quyết định.
“Đối với Bộ Công an là do bổ nhiệm gối đầu trong kỳ đại hội này. Sau đại hội tới đây, nhiều đồng chí sẽ nghĩ hưu”, thiếu tướng Tô Ân Xô nói, và khẳng định chắc chắn trong nhiệm kỳ mới, số lượng cấp phó của Bộ Công an sẽ không vượt quá quy định của Chính phủ.
Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, trong đó có việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gửi Quốc hội trước đó, cho biết đang có một số bộ, ngành có số lượng cấp phó nhiều hơn so với quy định.
Cụ thể, theo quy định tại luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5 (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6). Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền, Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Kết quả thực hiện, vẫn có một số bộ vượt quá số cấp phó so với quy định. Tại thời điểm 30.9.2020, có 2 bộ có 3 thứ trưởng (ít hơn 2 so với quy định) là: Bộ KH-ĐT và Bộ TT-TT.
7 bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng và tương đương (ít hơn 1 so với quy định), gồm: Bộ Xây dựng; Bộ LĐ-TB-XH; Bộ Y tế; Bộ VH-TT-DL; Bộ GD-ĐT; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; và Ủy ban Dân tộc.
8 bộ, cơ quan ngang bộ có 5 thứ trưởng và tương đương (bằng số quy định) gồm: Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công thương; Bộ KH-CN; Bộ TN-MT; Bộ GTVT; Văn phòng Chính phủ; và Thanh tra Chính phủ.
3 bộ có 6 thứ trưởng gồm: Bộ Ngoại giao (bằng số quy định); Bộ Nội vụ (vượt 1); Bộ NN-PTNT (vượt 1). Có 2 bộ có 9 thứ trưởng (vượt 3) là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Theo báo cáo Chính phủ, số lượng thứ trưởng nhiều hơn ở một số bộ “chủ yếu là do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ, như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về T.Ư”.
Bình luận (0)