Bộ Công thương chưa đồng ý với kiến nghị tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu của PVN

Chí Hiếu
Chí Hiếu
15/05/2020 17:30 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu ra nhiều lo ngại khi nói về đề xuất tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia mới đây đã kiến nghị lên các bộ.

Việc xem xét kiến nghị tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã được báo chí đặt ra với lãnh đạo Bộ Công thương tại buổi họp báo của bộ này chiều 15.5.
Trong câu trả lời, dù không nói thẳng là Bộ Công thương “bác” đề xuất của PVN, song Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã nêu ra nhiều nghi ngại nếu đồng ý với đề xuất này.
Ông Hải cho hay, đề xuất của PVN là liên quan đến hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) và Dung Quất (Quảng Ngãi), trong đó nhà máy Nghi Sơn thì nước ngoài chiếm 75% vốn, PVN chỉ giữ 25%.
Chia sẻ với khó khăn của ngành dầu khí khi “giá dầu thô sụt chiều thẳng đứng”, mất tới 65% trong 3 tháng vừa qua, khiến nguồn thu PVN bị ảnh hưởng, tuy nhiên ông Hải cho rằng nhiều doanh nghiệp khác cũng khó khăn. “Chúng ta có 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu. 3 tháng vừa rồi họ cũng gặp khó khăn khi giá bán lẻ trong nước giảm tới 8 lần liên tiếp, chỉ mới tăng trở lại vào ngày 13.5 vừa qua”, ông Hải phân tích, đồng thời nói thêm: đáng ra giá xăng tại kỳ điều hành gần nhất phải tăng gấp đôi, khoảng từ 1.000 - 1.200 đồng/lít, tuỳ loại.
Thế nhưng cơ quan quản lý đã phải giảm trích Quỹ bình ổn để tránh gây sốc, theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng. “Doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu rất khó khăn. Khi xem xét việc này (đề nghị của PVN), Bộ đã bàn bạc với các đơn vị, cả các doanh nghiệp đầu mối, hiệp hội xăng dầu và cả các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ xăng dầu. Chúng tôi nhận thấy nếu hạn chế, hay cấm nhập khẩu xăng dầu thì 33 doanh nghiệp đầu mối này sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, nếu Việt Nam cấm nhập cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cấm các nước khác xuất khẩu xăng dầu vào nước ta. Khi đó liệu họ cấm lại các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào nước họ thì sao”, ông Hải lập luận.
Vị thứ trưởng cho hay, cá nhân ông cũng đã trao đổi trực tiếp với Tổng giám đốc PVN về việc cần phải rất cân nhắc, hài hoà lợi ích nhiều bên: doanh nghiệp trong nước - người tiêu dùng xăng dầu - các đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu. “Cùng với đó là lợi ích của Nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng, tức là đủ xăng dầu cho nền kinh tế. Nếu chỉ phụ thuộc vào một vài đầu mối, có thể dẫn đến tình huống thiếu xăng dầu. Bởi thực tế 1 năm nhà máy Nghi Sơn phải bảo dưỡng 1,5 tháng, như năm 2019, khi nhà máy bị sự cố kéo dài 1 tháng 4 ngày. Lúc đó chúng tôi rất lo về nguồn cung và đã phải yêu cầu doanh nghiệp đầu mối khẩn trương nhập khẩu từ nước ngoài để bù đắp”, ông Hải cho biết thêm.

Như Thanh Niên đã thông tin, cách đây hơn 1 tháng, PVN đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công thương và Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước và tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu.

Trong đó, PVN mong các bộ xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa/tạm cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nước sản xuất được trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.