Dựng nhà cho trò mồ côi
Gần 20 năm cắm bản “trồng người”, thầy giáo Lý Văn Đường, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Trà Cang (H.Nam Trà My, Quảng Nam), hiểu rất rõ những tập tục của đồng bào Xê Đăng, Ca Dong. Có những tập tục thật sự đáng sợ mà đến nay vẫn chưa thể xóa bỏ. Như khi làng có cặp vợ chồng nào “chết xấu” do ăn lá ngón tự tử, căn nhà của họ sẽ bị phá bỏ hoàn toàn để đuổi ma xấu đi. Người làng cứ thế làm theo luật tục mà không màng đến tình cảnh những đứa trẻ vừa chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, vừa phải mất nhà cửa. “Khi không còn nơi ăn chốn ở thì chuyện đến trường lớp làm sao các em dám nghĩ đến?”, thầy Đường bùi ngùi kể.
tin liên quan
Chuyện chưa kể đằng sau những chuyến thiện nguyệnTạm biệt những ngày Tết đầm ấm, trở lại nhịp sống thường ngày,
những trái tim thiện nguyện lại ấp ủ bao nhiêu dự định được giúp đỡ và
kết nối với nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.
Khoảng 4 năm trước, căn nhà của 4 anh em Hồ Văn Lơn (khi đó đang học lớp 6, trú tại thôn 7) cũng bị dân làng phá sau khi cha mẹ nghĩ quẩn ăn lá ngón tự tử. 4 anh em Lơn dắt díu nhau đến tá túc nhà bà con nhưng chẳng nơi nào cưu mang được lâu vì họ ái ngại bọn trẻ là con của “ma xấu”. Không còn cách nào khác, anh em Lơn lang bạt trong rừng, trú ở những căn nhà dựng tạm trên rẫy.
“Thấy anh em Lơn không đến trường nữa, tôi hiểu ra câu chuyện nên tìm về thôn để hỏi thăm. Lần tìm nhiều nơi, cuối cùng tôi bắt gặp các em ở trong rừng. Tim tôi như thắt lại khi chứng kiến cảnh cả 4 đứa trẻ da dẻ xanh lét vì thiếu ăn, nhếch nhác vì thiếu mặc”, thầy Đường tiếp lời. Dù không phải là người thân nhưng trước tình cảnh đáng thương của đám trẻ, thầy giáo Đường nhận lãnh trách nhiệm săn sóc, yêu thương như một người cha.
Hiểu và nói được ngôn ngữ bản địa nên thầy giáo Đường đã dễ dàng nhờ người dân vào rừng đốn gỗ. Sau giờ đứng lớp, nhiều thầy giáo khác cũng giúp anh tìm kiếm vật liệu để dựng lại nhà cho anh em Lơn. Sau vài tuần, một căn nhà gỗ rộng chừng 20 m2 trong khuôn viên trường hoàn tất. Bốn anh em Lơn dọn về nhà mới, bên cạnh “bố Đường” và những thầy cô khác... Giờ thì Lơn chuẩn bị vào cấp 3, mấy đứa em Hồ Văn Lơm, Hồ Văn Lở và Hồ Văn Lểu cũng đang học lớp 6, lớp 7...
Xin từng cân gạo đến con cá khô
Mái ấm do thầy Đường cùng mọi người dựng nên dần đông đúc khi những học trò mồ côi từ nơi khác được đưa về. Năm 2014, cha mẹ của Hồ Thị Điểu (học sinh lớp 5, trú tại thôn 7) cũng tự tử bằng lá ngón, bỏ lại Điểu cùng 2 đứa em thơ dại. Thầy giáo Đường hay tin đã tức tốc vào bản. Thế nhưng, chỉ có Điểu và đứa em kế Hồ Thị Nghễu chịu đi, còn đứa út Hồ Thị Nghêu ở với người thân, không chịu đến trường. Phải rất lâu sau đó, thầy giáo Đường mới thuyết phục, dỗ dành được Nghêu về ở với các chị để đi học mẫu giáo. Hằng ngày, anh vừa lo chăm miếng ăn giấc ngủ vừa đưa đón Nghêu đến trường mầm non cách đó khoảng 2 km.
tin liên quan
Sư thầy và hàng chục đứa trẻ sơ sinh bị bỏ trong bao rácAnh Huỳnh Văn Quang nghe tiếng khóc phát ra từ bao rác trước cửa, chạy lại mở túi nilon thì hốt hoảng phát hiện một cặp sơ sinh còn nguyên dây rốn, nhau thai trên người. Cặp song sinh này bị mẹ ruột bỏ rơi ngay sau khi sinh.
“Chỗ ở cho các cháu tạm ổn nhưng chuyện lo miếng ăn cho các cháu không hề dễ dàng, vì những hoàn cảnh mồ côi ở đất Trà Cang này không phải là ít. Những bữa đầu, chỉ có anh em Lơn thì chúng tôi ăn gì các em ăn đó. Thiếu quần áo mặc thì các thầy cô góp tiền mua. Về sau, khi căn nhà đông miệng ăn, tôi đã phải “đi xin” nhiều nơi. Kêu gọi những nhà hảo tâm góp ít gạo, mì tôm, con cá khô...”, thầy giáo Đường kể.
Đơn vị, hội nhóm nào thường xuyên làm từ thiện, thầy tìm cách kết nối. Dần dà, khi mối lo về vật chất vơi đi nhờ các nhà hảo tâm, đến lượt thầy giáo Đường quan tâm đến chuyện thiếu hụt tình cảm của những đứa trẻ mất cha mất mẹ. Mỗi dịp nghỉ hè, thầy lại đưa các em về nhà mình tại H.Bắc Trà My (Quảng Nam) để học kèm và được sống trong không khí ấm áp của gia đình.
Đầu năm 2017, Trường tiểu học Trà Cang chuyển về cơ sở mới với khu nhà nội trú khang trang hơn. Những học trò vùng cao, đặc biệt là các phận đời mồ côi, được ở trong những căn nhà xây kiên cố. Với mức trợ cấp gần 500.000 đồng và 15 kg gạo/tháng/học sinh, thầy giáo Đường cảm thấy yên tâm, khỏi phải lo cái ăn cho các em nữa.
“Từ mức hỗ trợ này, mình cân đối sao cho các em có thể ăn ngon, có thịt có cá và sắm thêm quần áo, cặp sách... No ấm đã đủ nhưng tình cảm thì các em vẫn thiếu. Vậy nên tôi luôn nhắc các giáo viên quan tâm hỏi han, chia sẻ”, thầy Đường tâm sự. Có lẽ chính tình yêu thương của “bố Đường” đã tiếp thêm sức mạnh để nhiều đứa trẻ Xê Đăng theo đuổi con chữ. Mỗi lần gặp lại "bố Đường", những đứa trẻ bất hạnh cứ quấn quýt không rời. Nhưng trong thẳm sâu của người thầy giáo cắm bản, nỗi đau vì hủ tục vẫn luôn dai dẳng...
Bình luận (0)