Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn: Còn bao nhiêu cơ hội cho thí sinh trượt nguyện vọng 1?

08/08/2007 22:53 GMT+7

Chiều hôm qua 8.8, Hội đồng điểm sàn Bộ GD-ĐT đã họp và quyết định mức điểm sàn vào các trường ĐH năm nay như sau: khối A, B: 15 điểm, khối C: 14; khối D: 13.

Điểm sàn CĐ các khối thấp hơn 3 điểm. Với mức điểm sàn này sẽ có bao nhiêu thí sinh (TS) trượt nguyện vọng (NV) 1 được quyền xét tuyển NV2, 3 và cơ hội trúng tuyển ra sao? PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Kim Khôi  - Phó vụ trưởng Vụ Đại học - sau đại học. Ông Khôi cho biết:
Ông Ngô Kim Khôi 
Trong số hơn 1 triệu thí sinh dự thi ĐH, có hơn 373.000 thí sinh các khối thi A, B, C, D đạt mức điểm từ sàn trở lên. Với mức điểm sàn này đã có gần 158.000 thí sinh trúng tuyển theo NV 1. Chỉ tiêu (CT) tuyển mới tại tất cả các trường ĐH của 4 khối này là 182.810 thí sinh. Như vậy sẽ còn 24.800 CT dành cho TS có NV2 và NV3. Số liệu cụ thể ở các khối như sau: ở khối A, với mức điểm sàn 15, có 188.870 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển ĐH theo các NV2 và 3. Chỉ tiêu tuyển sinh của khối này là 109.080 và theo tính toán về mặt lý thuyết thì số lượng thí sinh trúng tuyển theo NV1 là 94.770.
 
Với mức điểm sàn 15, ở khối B, có 103.388 thí sinh sẽ có cơ hội xét tuyển. Chỉ tiêu tuyển sinh của khối này là 19.648; số lượng đã trúng tuyển theo NV1 là 15.041.

Khối C có 30.211 thí sinh điểm thi ĐH từ 14 trở lên sẽ có cơ hội xét tuyển NV2 và 3. Đã có 15.498 thí sinh trúng tuyển theo NV1, trong khi chỉ tiêu tổng thể của khối này là 18.316.

Ở khối D, với mức điểm sàn 13, sẽ có 48.578 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển. So với 35.764 chỉ tiêu tuyển sinh, đã có 26.778 thí sinh trúng tuyển ĐH theo NV1.

* Thưa ông, năm nay TS thi khối B có điểm thi rất cao. Với mức điểm sàn là 15 thì nguồn tuyển lên tới 700% trong khi chỉ tiêu thì có hạn. Liệu như thế có phải là "bánh vẽ" quá lớn cho TS hay không?

- Có hai lý do khiến cho điểm thi của khối B cao. Lý do thứ nhất là tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối B không nhiều trong khi đó số TS dự thi khối B lại rất nhiều (có đến 140.000 TS dự thi) do đó điểm thi cao lên. Nếu lấy mức điểm sàn là 15 thì hệ số luân chuyển sẽ cao. Tuy nhiên cần hiểu rằng điểm sàn bao giờ cũng là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ.

Trao đổi với báo giới ngay sau khi công bố điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cũng cho biết hiện chưa có trường nào đề xuất bằng văn bản về việc tuyển chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách. Bộ GD-ĐT có nhận được một số thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ tập hợp, cân đối và trình lãnh đạo Bộ xem xét. Điểm sàn năm nay cao hơn năm trước nhưng khối các trường ngoài công lập hoàn toàn đồng tình và yên tâm về nguồn tuyển. Nếu không tuyển đủ chỉ tiêu cũng không được hạ điểm.

Đây chỉ là ngưỡng tối thiểu để xét tuyển chứ trúng tuyển thì sẽ phải xét từ trên xuống dưới. Việc để điểm sàn ở mức 15 là sự động viên các em TS vì các em đã đạt được 15 điểm (điểm trung bình) thì có đủ điều kiện để tham gia xét tuyển. Nếu mà đặt ngưỡng cao quá, các em sẽ buồn vì mặc dù đạt điểm trung bình mà vẫn không được xét tuyển. Có thể nói rằng việc đặt mức điểm sàn như vậy là mở rộng cơ hội cho TS.

* Thưa ông, tại sao điểm sàn của các khối lại chênh lệch nhau? Do độ khó dễ của đề thi hay do năng lực thí sinh?

- Điểm sàn có phân hóa giữa các khối thi. Có một số nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau đó trước hết là do các bộ đề thi của các khối cũng khác nhau. Thứ hai, năng lực thực tế của các TS ở các khối cũng khác nhau. Thứ ba là liên quan đến chỉ tiêu và số TS dự thi. Ví dụ: tại sao năm nay điểm khối D lại thấp vì tổng chỉ tiêu tuyển sinh rất cao trong khi đó số TS dự thi lại rất ít cho nên điểm không thể cao được.

*Xin cảm ơn ông!

Vũ Thơ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.