Bộ GD-ĐT: Yêu cầu giáo viên 'đủ 9 năm trình độ đại học' là không đúng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
04/08/2023 20:37 GMT+7

Xung quanh việc giáo viên một số địa phương lo lắng mất cơ hội tăng lương vì không đủ thời gian đạt chuẩn trình độ đại học là 9 năm, Bộ GD-ĐT đã khẳng định "việc một số địa phương yêu cầu giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm với giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng".

Giáo viên phản ánh, việc xác định tổng thời gian giữ hạng (đủ từ 9 năm) để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp từ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II cũ sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới còn chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Một số địa phương yêu cầu 9 năm này phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học.

Điều này khiến nhiều giáo viên lo lắng họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến.

 Bộ GD-ĐT: Yêu cầu giáo viên 'đủ 9 năm trình độ đại học' là không đúng   - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

TUYẾT MAI

Giải đáp về lo lắng này, Bộ GD-ĐT cho biết, theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, THCS hạng II cũ được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự).

"Trong đó, Bộ GD-ĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng", Bộ GD-ĐT nhấn mạnh .

Giáo viên cũng phản ánh về việc xác định thời gian tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III mới khi xét tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II cũng chưa được thực hiện thống nhất giữa các địa phương.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng, theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, quy định thời gian giữ hạng IV cũ và III cũ được xác định tương đương với thời gian giữ hạng III mới từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của cấp học.

Như vậy, khi giáo viên tiểu học, THCS đạt trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học (là trình độ đại học), thì thời gian giữ các hạng cũ trước đây (bao gồm cả các thời gian tương đương khác) được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng III mới.

Trước đó, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội gửi thư kiến nghị tới Bộ GD-ĐT bày tỏ lo lắng quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến. Có những giáo viên 28 năm làm nghề, chờ gần 9 năm để nhận lương bậc đại học vẫn "hụt" vì thiếu 2 tháng. Nếu chờ tiếp, có những giáo viên đến tuổi nghỉ hưu cũng không còn cơ hội tăng lương.

Trong đơn kiến nghị, các giáo viên cho biết, Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo Thông tư 08/2023/TT- BGDĐT và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30.8.2023.

Với quy định này, nhiều giáo viên đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Trong đơn kiến nghị, các giáo viên mong muốn Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, chỉ yêu cầu giáo viên có bằng đại học 1 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng và có đủ 9 năm giữ hạng tương đương hạng III được nộp hồ sơ dự thăng hạng bổ sung trong đợt này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.