Văn bản do ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT ký, gửi các sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Bộ GD-ĐT nhận định: "Trong thời gian qua, việc tổ chức triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa được thực hiện ở các sở GD-ĐT đã đạt được kết quả tích cực, huy động được các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập".
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu UBND trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt và ban hành quy định về nội dung chi, định mức chi đối với dịch vụ hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ chính khóa trên địa bàn, đồng thời, tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan trong quản lý các hoạt động này đúng quy định.
Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân trong quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; từ việc cấp phép hoạt động, thanh tra, kiểm tra và đánh giá thường kỳ, đột xuất hằng năm đối với cơ sở giáo dục, đơn vị có hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT quản lý chặt chẽ các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa về địa điểm tổ chức, chất lượng giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên. Đồng thời, bảo đảm tổ chức giảng dạy đúng giáo trình, tài liệu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các nhà trường tăng cường giảng dạy bổ trợ, nâng cao cho học sinh những kỹ năng đã được quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chú trọng giảng dạy lý thuyết gắn với thực hành, rèn luyện kỹ năng sống.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương công khai các cơ sở giáo dục, đơn vị được cấp phép và bị đình chỉ hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trên cổng thông tin điện tử của sở GD-ĐT và trên các phương tiện thông tin khác theo quy định.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương khi thanh tra, kiểm tra cần lưu ý về sự phù hợp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người học ở địa phương trong nội dung giáo dục; không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; người học tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc; bố trí thời gian học không xen giữa các tiết học trong chương trình chính khóa.
Tạm dừng tổ chức hoạt động hoặc liên kết hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa đối với cơ sở giáo dục, đơn vị khi vi phạm quy định. Công khai các cơ sở, đơn vị được phép và bị đình chỉ hoạt động lĩnh vực này trên cổng thông tin điện tử của sở GD-ĐT và trên các phương tiện thông tin khác theo quy định.
Bộ GD-ĐT còn lưu ý, việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết phải thực hiện theo đúng quy định trong luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 151 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật này…
Tháng 9 năm nay, Báo Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh về việc hàng loạt các trường trên cả nước, đặc biệt là ở TP.HCM, Hà Nội, Thái Bình… chèn các hoạt động dạy học liên kết vào giờ chính khóa và thu phí của học sinh, khiến phụ huynh rất bức xúc vì không có nhu cầu nhưng cũng buộc phải cho con tham gia.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, cách làm trên là hoàn toàn trái quy định và yêu cầu các địa phương chấn chỉnh, báo cáo Bộ GD-ĐT về kết quả rà soát.
Bình luận (0)