Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, ngày 22.6, Trung tâm Quản lý đường thủy phát hiện và ghi nhận trên hành lang kè (lát gạch sâu) kênh Thanh Đa có một số vị trí gạch bị bong tróc, sụt lún nhẹ.
Từ 24 - 26.6, khu vực này xảy ra hiện tượng sụt lún, dịch chuyển chân kè và khu vực tiếp giáp kè. Cụ thể, móng bị dịch chuyển về phía kênh theo phương nằm ngang (vị trí xa nhất) khoảng 1,5m so với tim đường thiết kế; Lún dọc vị trí sâu nhất khoảng 0,8m so với cao độ thiết kế đỉnh kè. Khu vực bị dịch chuyển, sụt lún có chiều dài dọc tuyến kè khoảng 120m, rộng 10m tính từ đỉnh vào bờ.
Từ 27.6 - 8, qua theo dõi của Trung tâm Quản lý đường thủy, hiện tượng sụt lún, chuyển vị tiếp tục diễn biến phức tạp. Chuyển vị ra phía luồng theo phương ngang (vị trí xa nhất) so với tim tuyến kè thiết kế khoảng 1,89m, tăng thêm 0,15m; Chuyển dịch dọc (vị trí sâu nhất) khoảng 1,26m so với cao độ hành lang kè thiết kế, tăng 0,46m; Phạm vi ảnh hưởng đã lan rộng tới 200 m kè hiện hữu, xuất hiện các vết nứt từ 10cm - 15cm cách đỉnh kè khoảng 10m, chiều dài khoảng 120m.
Tình trạng sụt lún đã ảnh hưởng trực tiếp tới 15 hộ dân. Hầu hết các ngôi nhà tường bị nứt, sụt lún, nghiêng về phía kênh thì có thể bị sạt lở về phía sông bất cứ lúc nào. Sở GTVT nhận thấy độ lún và chuyển vị đỉnh kẻ quá lớn đã làm mất ổn định công trình, phá vỡ các kết cấu chính, theo thời gian diễn biễn sạt lở hết sức phức tạp. Lực lượng quan trắc đánh giá có thể hình thành khung trượt ở cả 3 phương với tốc độ 2cm/ngày.
Xem nhanh 20h: Nhà nứt toác bên bờ kênh Thanh Đa
Đánh giá nguyên nhân sơ bộ, thời điểm xảy ra sạt lở có mưa lớn nhiều ngày làm cho nền đất sau kè (dưới nền nhà ở của các hộ dân) thường xuyên bị đọng nước do không có hệ thống thoát nước sau kè, nước thoát chậm kết hợp thời điểm nước triều kiệt, chênh lệch mực nước lớn, làm gia tăng áp lực ngang lên kè.
Ngoài ra, hiện tại các công trình kè lân cận trên kênh Thanh Đa đoạn 1,2: 1,3; 1,4 với kết cấu như đoạn kè Thanh Đa 1.1 vẫn đang khai thác ổn định do phạm vi nhà dân được giải tỏa cách đỉnh kẻ từ 10m trở lên. Đối với đoạn kế Thanh Đa 1.1, nhà dân cách đỉnh kè 3,5m nên tải trọng của các nhà dân tác động trực tiếp lên đỉnh kẻ là một trong những nguyên nhẫn gây mất ổn định tuyến kè mái nghiêng hiện hữu.
Do đó, giải pháp trước mắt là giảm tải trọng tác động bằng cách di dời các hộ dân, cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại trong khu vực có nguy cơ sạt lở.
Trên cơ sở báo cáo của Sở GTVT, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý thích hợp, nhằm phòng tránh thiệt hại cho người dân tại khu vực nêu trên.
UBND quận Bình Thạnh, UBND phường 25, quận Bình Thạnh tiếp tục theo sát sao diễn biễn lún sụt tại khu vực; thực hiện việc di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Song song, triển khai rào chắn, cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại trong khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của người dân.
Sở GTVT được giao chỉ đạo Trung tâm Quản lý Đường thủy tổ chức lựa chọn đơn vị có chức năng để thực hiện khảo sát, quan trắc, đánh giá nguyên nhân sạt lở và khả năng chịu lực công trình để đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở trong vòng 10 ngày sau khi được sự chấp thuận của UBND TP.
Bình luận (0)