Cách trụ sở UBND xã vài chục bước chân, chúng tôi bắt gặp ngôi nhà hoang phế. Chếch lên phía nam một đoạn là ngôi nhà của ông Thảnh (thôn Xuân Hải) chỉ còn trơ trọi tường. Cách đây mấy năm gia đình ông phải dọn đi nơi khác ở vì không chịu nổi cảnh cát bay, cát nhảy.
|
Bà Trương Thị Mén quá nghèo nên chấp nhận sống chung với cát. Những chuyện bà kể là một sự nghịch lý không có lời giải: “Cứ qua một mùa tôi phải đi gánh cát về đắp sân lại cho bằng phẳng, không biết cát nó bay đi đâu mà cứ để lại cái hố to ở sân, như ma quái vậy…”.
Thôn Tân Hải chịu ảnh hưởng nặng nhất. Trưởng thôn Nguyễn Thanh Sâm cho biết: “Từ khoảng sau năm 1975 bắt đầu có hiện tượng cát bay, cát nhảy. Thôn có chiều dài bờ biển 7 km nên mức độ ảnh hưởng rất lớn”.
Ông Sâm dẫn chúng tôi leo lên từng đồi cát cao ngất rồi nói: “Ngay vị trí này trước kia là nhà của dân ở, vậy mà giờ cát lấp kín hết rồi, 27 hộ phải dời đi. Hội trường thôn cũng nằm trong danh sách đó. Chỉ vài năm nữa không chừng cát nuốt mất toàn bộ làng”.
Làm sao cứu làng là nỗi lo lớn nhất của ông Sâm và dân làng. Họ đang từng ngày chống chọi với cát. Trước mắt, thôn cho xúc những động cát đó đi, nhưng xúc rồi nó hình thành lại. Theo ông Sâm, cách tối ưu để khắc phục là xây kè sau đó trồng cây phía trong kè mới hy vọng cây sống được. Nhưng việc này quá sức đối với địa phương, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)