Chưa bao giờ phong trào trồng khoai lang ở các tỉnh ĐBSCL lên cơn sốt như hiện nay. Từ Vĩnh Long sang Cần Thơ, Kiên Giang… diện tích khoai lang liên tục tăng vọt. Chuyện lạ là giá lúa hàng hóa đang ở mức cao nhưng nhiều hộ vẫn mạnh dạn bỏ lúa, lên liếp trồng khoai lang.
Khoai lang “lên đời”
Lũ vừa rút, nông dân tỉnh Vĩnh Long đã tranh thủ bơm nước để trồng khoai lang. Ông Nguyễn Văn Thanh, ở xã Tân Thành, H.Bình Tân, cho biết: “Giá khoai lang tím Nhật đang dao động khoảng 600.000- 650.000 đồng/tạ; khoai trắng sữa tăng lên gần 1 triệu đồng/tạ (60 kg). Với giá này, bình quân mỗi hecta khoai lang thu về từ 300-500 triệu đồng, có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới”.
Khoai lang được giá đã cuốn hút nhiều hộ lao vào trồng. Nếu như ở Vĩnh Long trước đây diện tích khoai lang chủ yếu ở 2 huyện Bình Tân và Bình Minh, nay nhiều hộ ở H.Tam Bình cũng phá đất lúa để trồng khoai. Bà Nguyễn Ngọc Lợi (ấp Bình Ninh, xã Ngãi Tứ, H.Tam Bình) tâm sự: “Dân xứ này xưa giờ chỉ chuyên canh cây lúa, nay thấy người ta trồng khoai lang làm giàu nên nhiều hộ đã bỏ lúa để trồng khoai. Nhà nào thiếu vốn đầu tư thì cho thuê đất cũng được 60 triệu đồng/ha/năm, khỏe hơn trồng lúa”. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT Tam Bình, diện tích trồng khoai lang ở huyện này hiện đã tăng lên trên 100 ha và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng bởi nhiều thương lái từ các nơi khác đang đổ về mướn đất trồng khoai. Tại Cần Thơ, phong trào trồng khoai lang cũng rất sôi động. Ông Tám Liêm (ấp 6, xã Thới Hưng, H.Cờ Đỏ) cho biết vụ rồi gia đình ông trồng 3 ha khoai lang, thu hoạch 1.500 tạ, bán được 1,5 tỉ đồng. “Trồng khoai lang bây giờ chẳng những thoát nghèo mà còn giúp nhiều hộ trở nên giàu có mau chóng, hỏi ai không ham”, ông Tám Liêm nói.
Mừng hay lo?
Ông Ngô Thanh Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT H.Cờ Đỏ thông báo, hiện diện tích trồng khoai lang ở huyện này đã lên đến trên 600 ha, chủ yếu do người từ nơi khác đến mướn đất canh tác. Tại Kiên Giang, diện tích khoai lang cũng phát triển khoảng 1.000 ha, tập trung ở 2 huyện Hòn Đất và Giồng Riềng. Ở Vĩnh Long, chỉ riêng H.Bình Tân diện tích khoai lang đã lên đến gần 6.500 ha…
Theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bùng phát phong trào trồng khoai lang ở ĐBSCL là do thương lái Trung Quốc đẩy giá khoai lên cao chót vót. Ông Nguyễn Văn Quẹt, Chủ tịch UBND xã Thới Hưng (H.Cờ Đỏ) khẳng định, chuyện nông dân Vĩnh Long, Đồng Tháp… sang Thới Hưng thuê đất trồng khoai là hoàn toàn hợp pháp, có hợp đồng hẳn hòi, với giá cho thuê phổ biến 60 triệu đồng/ha/năm. “Theo chúng tôi, với lợi thế vùng đất mới, đê bao khép kín thì việc phát triển diện tích trồng khoai lang ở Thới Hưng, nhất là khoai lang mùa lũ là hướng đi đúng. Tuy nhiên, mở rộng diện tích bao nhiêu, thị trường tiêu thụ lâu dài ra sao, là những vấn đề cần cân nhắc”, ông Quẹt nói.
Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN-PTNT H.Bình Tân cho biết huyện này có diện tích khoai lang lớn nhất ĐBSCL. Thực tế cho thấy trồng khoai lang cho hiệu quả cao hơn hẳn các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, đầu ra chủ yếu của khoai lang là do thương lái Trung Quốc sang thu mua và xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, nên giá cả thất thường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Khi nào thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua thì giá khoai tăng ngất ngưởng, còn khi họ ngưng mua là giá khoai rớt ngay lập tức”, ông Theo nói.
Thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết ngành nông nghiệp tỉnh này không khuyến cáo người dân mở rộng diện tích trồng khoai lang, nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu sẽ kéo theo hệ lụy. Ngành chức năng TP.Cần Thơ cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt chạy theo xu hướng cho thuê đất vì đây là cách không bền vững; nhất là những hộ chưa có sự chuyển đổi ngành nghề căn cơ.
Ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng khâu tiêu thụ khoai lang đang bộc lộ nhiều rủi ro bởi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, cần tìm thêm những thị trường khác như Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia... Đồng thời, tính toán kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến khoai lang, nhằm tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho nông dân. Xây dựng thương hiệu và tổ chức sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn Global GAP để đưa khoai lang vào những thị trường khó tính, có giá trị kinh tế cao như châu u, Nhật Bản… “Phát triển khoai lang là cần thiết, nhưng diện tích và sản lượng bao nhiều thì nên cân nhắc phù hợp”, ông Diệp lưu ý.
An Lạc
Bình luận (0)