Không có chỗ cho người đi bộ
Thiếu không gian để đi bộ vẫn là tình trạng phổ biến ở nhiều thành phố lớn của VN, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến người VN ngày càng “lười” đi bộ. Chiến dịch vỉa hè từng rầm rộ ở Hà Nội, TP.HCM trong những tháng đầu năm 2017, nay đã có phần xẹp xuống. Vỉa hè vốn nhỏ hẹp lại được dành phần lớn diện tích cho để xe máy, thậm chí là hàng quán, bàn ghế bán rong... Chỉ còn một lối đi rất nhỏ, thậm chí chưa đầy vài chục cm, người đi bộ không còn cách nào khác ngoài việc đi xuống lòng, lề đường.
Kết quả khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội hồi đầu năm 2017 cho thấy, nhiều tuyến phố sau khi kẻ vạch vỉa hè dành cho trông giữ xe máy, phần diện tích dành cho người đi bộ nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định (1,5 m). Nhưng thực tế, phần diện tích này bị thu hẹp tới mức đáng thương, bị vướng bởi cây xanh, bốt điện, hay cả... bếp lò. Chưa kể đi bộ được một đoạn rồi không biết đi đâu, bởi hệ thống giao thông công cộng kết nối vẫn chưa hoàn thiện. Hà Nội, TP.HCM vẫn đang cố gắng phủ đầy mạng lưới xe buýt nội đô.
Tuy nhiên, thực tế ở một khía cạnh khác, người đi bộ cũng thường xuyên không tuân thủ luật giao thông như: không đi bộ đúng làn đường kẻ dành cho người đi bộ, thậm chí chỉ cách cầu vượt đi bộ vài mét nhưng vẫn thản nhiên bất chấp nguy hiểm leo rào băng qua đường... Đây là những hình ảnh phổ biến trên nhiều tuyến đường. Thói quen đi bộ kiểu “đường ta ta cứ đi”, không chỉ gây nguy hiểm cho chính người đi bộ, mà còn là hiểm họa gây tai nạn với các tài xế trên đường.
Tránh phạt… oan
Dành vỉa hè cho người đi bộ là cuộc chiến lâu dài và quyết liệt, cần những biện pháp rắn và thực sự quyết tâm của chính quyền nhiều địa phương, thay vì những cuộc ra quân “giành lại vỉa hè” mang tính phong trào sớm nở tối tàn. Chỉ khi người đi bộ được dành không gian và sự tôn trọng của cộng đồng, thì khi đó quyền lợi của họ mới được đảm bảo.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia, bảo vệ người đi bộ không chỉ từ dẹp loạn lấn chiếm vỉa hè, mà còn là sự tôn trọng của cộng đồng, những người điều khiển phương tiện giao thông.
Từng sinh sống tại Nhật, anh Bùi Ngọc (Hà Nội) cho biết, tại đất nước vốn được ca ngợi về tính kỷ luật này, thứ tự ưu tiên giao thông trên đường là người đi bộ, người đi xe đạp rồi mới đến người đi ô tô, xe máy. Thậm chí tại những nơi không có đèn tín hiệu giao thông, khi người đi bộ sang đường trên vạch kẻ, các phương tiện khác đều dừng lại nhường đường. Hay tại những chốt đèn tín hiệu giao thông đa số đều có nút ấn xin qua đường dành cho người đi bộ. Các biển báo giao thông, vạch đường cũng luôn ưu tiên cho người đi bộ, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ mang thai... Việc ưu tiên cao nhất cho người đi bộ không chỉ ở Nhật mà nhiều nước phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.
Vì vậy, tới đây khi quy định về việc phạt người đi bộ có hiệu lực thi hành thì cần thực hiện nghiêm. Những người đi bộ không tuân thủ luật lệ giao thông như đi sai làn đường, không theo tín hiệu, xé rào băng qua đường... cần được xử lý, nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, trước khi phạt nặng người đi bộ, điều quan trọng hơn là bảo vệ quyền lợi của người đi bộ tại VN - điều lâu nay vẫn đang được nhắc đến nhưng thực tế lại hầu như bị bỏ quên. Việc quy hoạch giao thông, mạng lưới đường sá, vỉa hè dành phần đường cho người đi bộ, đi xe đạp là yếu tố đầu tiên cần tính đến và quyết liệt triển khai, để tránh người đi bộ bị... phạt oan.
Bình luận (0)