Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 36/2024 quy định về tiêu chuẩn, quy trình khám sức khỏe lái xe. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ 1.1.2025, thay thế cho Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT.
Không còn bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn
Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 24/2015, một trong những thủ tục bắt buộc khi thực hiện khám cận lâm sàng sức khỏe lái xe là xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu.
Còn tại thông tư mới, việc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe không còn là quy định bắt buộc, chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.
Quy định bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe của Thông tư số 24/2015 tồn tại đến nay đã hơn 9 năm, bị cho là bất hợp lý.
Trong kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ, Thanh tra Chính phủ nhận định rằng kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe. Do đó, việc này là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe.
Cơ quan này dẫn số liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, từ ngày 1.1.2021 - 1.1.2023 (tức chỉ trong 2 năm), toàn ngành GTVT cấp hơn 9,9 triệu giấy phép lái xe các loại. Tính theo đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm, chi phí người dân phải bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn một cách bất hợp lý là khoảng 350 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ do đó kiến nghị sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe theo hướng bỏ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép lái xe.
Bỏ được một "giấy phép con"
Bày tỏ ủng hộ đối với quy định tại thông tư mới, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá cao sự cầu thị và kịp thời khắc phục bất cập trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ Y tế.
Theo ông Hòa, xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu, còn sau đó thì không có mấy ý nghĩa trong việc kiểm soát tham gia giao thông của người lái xe. Quy định bắt buộc xét nghiệm nồng độ vì thế chẳng khác nào một loại "giấy phép con", bãi bỏ là rất cần thiết.
"Lẽ ra phải phát hiện và sửa đổi từ lâu, nhưng dù sao đến nay cũng đã được bãi bỏ, cần ghi nhận", ông Hòa nói và kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính để phát hiện những bất cập tương tự, nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với thực tiễn.
Anh Phan Trọng (tên nhân vật đã thay đổi, 32 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết cả hai vợ chồng đều đã phải xét nghiệm nồng độ để đủ tiêu chuẩn theo quy định khi tham gia đào tạo và sát hạch lái xe. Là "người trong cuộc", anh Trọng ủng hộ quy định mới sẽ được áp dụng từ 1.1.2025 tới đây.
Theo anh Trọng, nếu tính chi phí xét nghiệm nồng độ cồn của một người thì không quá cao, nhưng nhân với hàng chục triệu trường hợp cấp giấy phép lái xe trong suốt gần 9 năm qua thì chi phí là rất lớn. Chưa kể, điều khiến anh cảm thấy phiền toái là mất thời gian khi phải thực hiện đúng quy trình lấy mẫu và chờ đợi kết quả xét nghiệm.
"Với việc bãi bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn, người dân sẽ không mất chi phí, thời gian và công sức cho thủ tục này nữa. Đồng thời, tôi kiến nghị nên kiểm soát chặt và xử lý nghiêm hành vi lái xe trên đường mà có nồng độ cồn", anh Trọng nêu ý kiến.
Tăng xét nghiệm chất ma túy
Song song với việc bỏ bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe, Thông tư 36/2024 của Bộ Y tế quy định người lái xe bắt buộc xét nghiệm 5 loại chất ma túy (theo quy định hiện hành là 4 loại).
Riêng với trường hợp khám sức khỏe định kỳ với người hành nghề lái xe ô tô, người lái xe vẫn phải bắt buộc xét nghiệm cả nồng độ cồn và ma túy (giống như quy định hiện hành).
Một số điểm mới nữa như: không còn yêu cầu khám thai sản vì ít liên quan đến tiêu chuẩn sức khỏe lái xe, giá trị sử dụng của giấy khám sức khỏe tăng từ 6 tháng lên 12 tháng kể từ ngày ký kết luận.
Bình luận (0)