Bộ Tài chính và EVN bất đồng về truy thu thuế hơn 1.900 tỉ đồng

Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định Tập đoàn điện lực VN (EVN) hạch toán sai chi phí và khoản lãi chênh lệch tỷ giá, trong khi EVN dẫn một loạt quy định của Bộ và Chính phủ để cho rằng mình làm đúng quy định. Số tiền truy thu thuế mà hai bên bất đồng quan điểm là hơn 1.900 tỉ đồng.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, năm 2015, EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012 - 2015). Việc hạch toán này được Bộ Tài chính xác định là chưa đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Khoản hạch toán trên, theo Thanh tra Bộ Tài chính, giúp EVN giảm lợi nhuận năm 2015 là 1.341 tỉ đồng. Do đó, để khắc phục sai sót, EVN phải kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) năm 2015 là 88,2 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai và nộp bổ sung là 877,4 tỉ đồng.
Cùng với việc hạch toán sai hơn 1.341 tỉ đồng như nêu trên, Bộ Tài chính cũng phát hiện EVN chưa hạch toán hơn 4.847 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2016. Đây là khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của năm 2016. Theo quy định, lãi chênh lệch tỷ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỷ giá. Nếu có chênh lệch thì DN phải hạch toán khoản này.
Trên cơ sở thanh tra, Bộ Tài chính phát hiện sai sót này của EVN và yêu cầu DN phải nộp thuế thu nhập DN năm 2016 số tiền 969,5 tỉ đồng. Phần tiền còn lại 3.878 tỉ đồng, EVN không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức. Tổng các khoản do hạch toán sai, Bộ Tài chính đề nghị truy thu số tiền thuế còn thiếu của EVN là hơn 1.900 tỉ đồng.
Phản hồi kết luận thanh tra, EVN cho biết, về khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM giai đoạn 2012 - 2015 (khoảng 1.900 tỉ đồng) là khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí Phú Mỹ - TP.HCM đã phát sinh trong giai đoạn 2012 - 2015. EVN căn cứ Công văn số 12577/BCT-TCNL ngày 8.12.2015 của Bộ Công thương trình Thủ tướng về cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM và Công văn số 872/VPCP-KTTH ngày 4.2.2016 của Văn phòng Chính phủ cho phép EVN được phân bổ khoản chi phí này và giao Bộ Công thương đề xuất thời gian thực hiện phù hợp (ngắn hơn 5 năm).
Việc phân bổ khoản chi phí này vào năm 2015, 2016 thay cho năm 2016, 2017, theo EVN giúp tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện. Dự án này sử dụng vốn vay của JICA (Nhật Bản) nên EVN gửi thư thỏa thuận với JICA nhưng theo yêu cầu từ phía JICA, EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho Tổng công ty phát điện 1 (EVNGENCO 1).
Sau khi EVN báo cáo, Bộ Công thương đã có Công văn số 2818/BCT-TCNL ngày 2.4.2013 thống nhất việc EVN tiếp tục làm chủ đầu tư dự án Nghi Sơn 1; sau khi nhà máy phát điện thương mại sẽ thực hiện chuyển giao chủ đầu tư dự án cho EVNGENCO 1.
Việc chuyển giao Công ty nhiệt điện Nghi Sơn 1 (là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1) về EVNGENCO 1 cũng là một nội dung trong Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14.6.2017 của Thủ tướng về Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2017 - 2020. Như vậy, dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án thuộc EVNGENCO 1 và do đó khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 phải chuyển giao cho EVNGENCO 1 hạch toán theo quy định.
Hiện tại, EVN đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGENCO 1 tại thời điểm ngày 31.12. Tập đoàn sẽ bàn giao số dư khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 để EVNGENCO 1 hạch toán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.