Bộ tam chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông

26/11/2018 00:00 GMT+7

Trung Quốc đang cùng lúc thực hiện 3 chiến lược nhằm tìm cách độc chiếm chủ quyền cũng như khả năng kiểm soát thực tế trên Biển Đông .

Đầu tháng 11, khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên tại Washington (Mỹ), ông Gregory B.Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải AMTI - thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, lo ngại rằng: Dư luận thế giới đang bị hút vào những vấn đề như tình hình bán đảo Triều Tiên, bất ổn của thế giới Ả Rập hay nội bộ nước Mỹ. Theo ông Poling, tranh chấp Biển Đông mới thực sự là vấn đề mà thế giới cần quan tâm, bởi Trung Quốc vẫn liên tục có nhiều hoạt động gây quan ngại.
Quân sự hóa bằng nhiều chiêu trò
Vài năm qua, AMTI công bố không ít hình ảnh chứng minh Bắc Kinh không chỉ xây dựng đường băng, thiết lập trạm radar mà còn triển khai chiến đấu cơ, tên lửa, máy bay vận tải… đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Mới đây, ngày 21.11, AMTI công bố báo cáo kết luận Trung Quốc đã xây dựng cấu trúc phi pháp mới, nhiều dấu hiệu cho thấy tích hợp trạm radar, trên đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể, AMTI đã đưa ra ảnh chụp bởi vệ tinh được cập nhật gần đây cho thấy cấu trúc phi pháp mới có kích thước 27,5 x 12 m. Đá Bông Bay nằm ở rìa đông nam quần đảo Hoàng Sa, sát bên các tuyến hàng hải chính nối Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vì thế, theo ông Poling, việc thiết lập trạm radar tại đây tạo cơ sở để Bắc Kinh mở rộng quy mô kiểm soát.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc - thuộc CSIS, cũng nhận xét rằng Bắc Kinh đang tiếp tục mở rộng hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn thường né tránh, và có những lúc biện minh rằng chỉ hoàn thiện hạ tầng đáp ứng nhu cầu công cộng.
Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy (chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cũng nhận xét Trung Quốc đang sử dụng nhiều thủ thuật để quân sự hóa Biển Đông. Không chỉ trực tiếp đồn trú, triển khai khí tài, vũ khí các loại mà Bắc Kinh còn sử dụng chiêu trò “nghiên cứu khoa học”.
“Mới đây, Trung Quốc và Philippines thỏa thuận hợp tác phát triển năng lượng ở Biển Đông. Dù thỏa thuận chỉ mới dừng lại ở mức hợp tác thăm dò dầu khí và khí đốt, nhưng cần nhớ rằng thông qua công tác thăm dò, Bắc Kinh có thể lập bản đồ khoa học về địa hình, dòng chảy... Qua đó, Bắc Kinh có thể tập trung dữ liệu trong lòng biển ở khu vực này phục vụ cho hoạt động của tàu ngầm, tạo ra một sức mạnh quân sự lớn hơn nhiều so với việc xây dựng hạ tầng hay triển khai vũ khí ở các thực thể trên mặt nước”, PGS Nagy đặt vấn đề.
Tuyên truyền ngụy biện, đổ lỗi
Thế nhưng, Bắc Kinh suốt nhiều năm vẫn chối bỏ hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông và thường biện minh rằng các phương tiện, hạ tầng nhằm phục vụ mục đích dân sự. Đến tháng 8.2018, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, mới thừa nhận nước này quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, nhưng lại ngụy biện rằng đó là hành động “tự vệ” trước các nước khác.
Khái niệm “tự vệ” được Trung Quốc hướng về Mỹ để đổ lỗi. Bà Glaser nhận xét: “Trung Quốc vẫn luôn tìm cách đổ lỗi cho Mỹ gây ra căng thẳng trong khu vực. Tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 21.11 vừa có bài xã luận mô tả bộ tứ an ninh (Ấn - Nhật - Úc - Mỹ) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gây căng thẳng đối với ASEAN và chỉ Trung Quốc mới là đối tác hỗ trợ ASEAN (!?)”.
Báo chí truyền thông Trung Quốc gần đây còn cho rằng chính việc Mỹ điều tàu chiến thực thi tự do hàng hải (FONOP) tiến sát các thực thể mà Bắc Kinh đang kiểm soát trên Biển Đông. Nhận xét về luận điểm này, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho rằng: “Sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hơn hai năm trước ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, thì rõ ràng các hoạt động của hải quân Mỹ trong vùng biển này càng thể hiện sự phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Để củng cố cho chiêu trò biện minh và đổ lỗi, Trung Quốc đã vung tiền cho nhiều cơ quan nghiên cứu quốc tế nhằm đưa ra các nhận định ủng hộ quan điểm này của Bắc Kinh, chứ không chỉ dựa vào các chuyên gia của nước này. Bắc Kinh còn đổ tiền vào các cơ quan nghiên cứu, hoặc thu hút chuyên gia quốc tế hợp tác nghiên cứu bằng các khoản thu nhập khủng dạng “mua chuộc”. Việc tiến sĩ Mark J.Valencia bị chỉ trích hồi tháng 4 là một ví dụ, khi ông đăng bài trên tờ The Jakarta Post cho rằng những hành động quân sự hóa phi pháp và gây mất ổn định của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ nhằm “phòng thủ” vì những nước trong khu vực “lôi kéo, dựa hơi Mỹ để gây hấn”. Nhưng như đã nói, giới học giả quốc tế chỉ ra rằng đó là ngụy biện.
“Bẻ đũa” ASEAN
Bên cạnh hai chiến lược trên, bà Glaser còn chỉ ra rằng: “Thực tế thì Trung Quốc đã nhiều năm ra sức cản trở tính thống nhất của ASEAN, với nhiều động thái thông qua thành viên là Campuchia. Song hành cùng phương thức này, Bắc Kinh còn cố gắng “bẻ đũa” để các bên liên quan tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phải đàm phán song phương với Trung Quốc”.
Bà Glaser còn dẫn thêm rằng Thỏa thuận hợp tác phát triển năng lượng với Philippines trên Biển Đông mới đây là một ví dụ điển hình cho điều đó. Đã vậy, khi đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với ASEAN, Bắc Kinh còn cố gắng cài cắm điều khoản các nước trong khối không hợp tác với đối tác ngoài khối để hợp tác phát triển năng lượng trên Biển Đông. “Đây chính là một trong nhiều thủ thuật để Trung Quốc muốn các nước trong khu vực phải lệ thuộc vào nguồn lợi kinh tế”, chuyên gia Glaser cảnh báo.
Ý KIẾN

Nhiều người cho rằng ba chiến lược trên (quân sự hóa, tuyên truyền ngụy biện, chia rẽ ASEAN) đã được Trung Quốc áp dụng từ 5 năm qua, chẳng hề mới. Nhưng thực chất thì đã có rất nhiều thay đổi trong cách thức thực hiện. Điển hình là trước đây thì Bắc Kinh hay đổ lỗi cho các nước có tranh chấp đã gây ra căng thẳng. Còn giờ đây, Bắc Kinh đang dần “chuyển mũi dùi” sang Washington. Tương tự, việc cố gắng tác động lên ASEAN giờ không chỉ thông qua thành viên Campuchia.
TS Zack Cooper (Chuyên gia về chiến lược quốc phòng Mỹ tại châu Á, thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ)
Ảnh: Ngô Minh Trí
Với những chính sách căng thẳng mà Trung Quốc đang tiến hành, các nước Đông Nam Á nên hiểu rằng Mỹ không phải là nguồn cơn đe dọa đến chủ quyền và độc lập. Thực tế, Mỹ đang theo đuổi chính sách nhằm tạo sự cân bằng về chính trị và sức mạnh để trấn an các nước trong khu vực. Kèm theo đó là nỗ lực hướng đến cân bằng thương mại, phát triển bền vững.
TS Patrick Cronin (Cố vấn cao cấp - Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Tân Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.