Bố trí cán bộ

06/05/2008 01:31 GMT+7

Bạn đọc đã tá hỏa khi đọc bài Chuyện cũ của Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Kỳ trên Báo Thanh Niên ngày 5.5.2008. Riêng tôi, "không tin được dù đó là sự thật". Hay có sự nhầm lẫn gì ở đây, kiểu như tên trùng tên, người giống người chẳng hạn? Nhưng xem kỹ lại cái quyết định buộc thôi việc đối với ông Kỳ, có tới 2 con dấu, và chỉ mới cách đây 18 năm, ngày 1.8.1990, chưa phải quá khứ xa xôi gì, thì không thể không tin đây là chuyện thật.

Tôi không phải người theo "chủ nghĩa lý lịch", và cứ nghĩ ai đã một lần bị kỷ luật, thậm chí lâm vòng lao lý trong đời đã là "hết thuốc chữa". Ai cũng có những sai lầm trong suốt cuộc đời mình, và ai cũng có thể, có quyền làm lại cuộc đời mình sau mỗi lầm lạc. "Hãy đứng lên từ chính nơi anh đã vấp ngã", người ta đã khuyên như thế. Và tôi nghĩ, về một mặt nào, ông Kỳ đã làm đúng như thế. Ông đã bị "vấp ngã" ở ngành du lịch, thì ông đứng lên và làm lại đời mình từ chính ngành du lịch. Nhưng gì thì gì, ở đây phải nhận rằng, cách bố trí, bổ nhiệm cán bộ như cách làm đối với ông Kỳ thì quả đã gây sốc lớn cho xã hội. Vì cái lỗi mà ông Kỳ mắc phải ở Công ty du lịch TP.HCM từ thập niên 90 của thế kỷ trước là lỗi thuộc về nhân cách, về đạo đức làm người, chứ không đơn giản chỉ là "hành vi sai phạm".

Ông Kỳ cũng không phải vì "cố ý làm trái" ở ngành mình khi cơ chế còn chưa thông thoáng, làm trái nhưng có lợi cho ngành, có lợi cho tập thể, thì dẫu nhất thời bị oan khuất, nỗi oan với thời gian và sự đổi mới xã hội sẽ được nhìn nhận lại, và có thể từ khuyết điểm, thậm chí lỗi lầm, trở thành ưu điểm, thậm chí công lao. Đây cũng không phải chuyện "mất đoàn kết" hay gây xô xát gì trong cơ quan, hay chuyện bị "cấp trên trù dập" vốn không thiếu ở những năm đầu Đổi Mới ấy. Chuyện lỗi của ông Kỳ ở đây quá "thô sơ", nhưng lại là kiểu lỗi bây giờ nhan nhản trong xã hội. Nhưng không thể vì lỗi này bây giờ phổ biến quá, mà ta lại coi nó "không đáng quan tâm". Ngược lại, đây là lỗi nặng, rất nặng đối với một công chức, một cán bộ nhà nước: lỗi ăn hối lộ! Có thể ngày đó, ông Kỳ chỉ nhận có 10 chỉ vàng, thật quá nhỏ nhoi, quá ít ỏi so với những "cú ăn" của quan tham bây giờ. Nhưng ta thử nghĩ xem, nếu không biết sám hối, biết "cải tà quy chính" thì từ 10 chỉ vàng ngày ấy, vào những lúc có "điều kiện cần và đủ" nó sẽ "phát triển" lên bao nhiêu?

Nhìn nhận một con người phải hết sức cẩn trọng, ở đây tôi không dám nói gì cả về nhân thân ông Kỳ với tư cách một công dân, một con người. Nhưng một khi cấp trên "trông giỏ bỏ thóc", quyết định chọn một cán bộ vào một vị trí quan trọng như Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chẳng hạn, thì phải hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng. Không chỉ vì uy tín cá nhân của người đứng đầu một ngành quan trọng như vậy, mà còn vì "thương hiệu" và uy tín của chính ngành ấy, hơn nữa là uy tín của Nhà nước. Ở các nước phát triển, những cú "phốt" trong công tác nhân sự của họ cũng không ít. Nhưng một khi đã phát hiện ra sai sót, thì họ kiên quyết sửa chữa. Và những người được bổ nhiệm nhưng chưa trọn vẹn và có nguy cơ đối mặt với dư luận ấy luôn biết cách tự xử một cách đường hoàng, thích hợp với nhân cách của mình. Ở ta, do vừa qua đã có quá nhiều chuyện thuộc về khâu bố trí cán bộ, về những hành động "chạy chỗ" trong giới quan chức, nên dư luận đặc biệt nhạy cảm với chuyện này. Xin hãy cẩn trọng!

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.