Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị Bộ trưởng chỉ tập trung làm rõ hai nhóm nội dung là việc sử dụng gói kích cầu trong nông nghiệp, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, và nhóm vấn đề phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trong vật nuôi cây trồng. “Ngoài ra, Bộ trưởng có thể nói thêm về nâng cao chất lượng hoạt động của HTX nông nghiệp” - Chủ tịch QH nói.
Phó trưởng đoàn đại biểu (ĐB) QH Hưng Yên Vũ Quang Hải nêu vấn đề: “Việt Nam có thế mạnh về nhiều sản phẩm nông nghiệp nhưng lại có giá trị sản xuất nông nghiệp trên quy mô đầu người thấp nhất trong 5 nước trong khu vực; xuất khẩu nông sản lớn nhưng có nhiều sản phẩm thua ngay trên sân nhà?”.
Phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát không đi thẳng vào nội dung câu hỏi khi đưa ra những tổng kết chung chung: Năm 2008 xuất khẩu nông sản của chúng ta đạt 14,8 tỉ USD, chúng ta có nhiều loại nông sản cạnh tranh được trên thị trường quốc tế nhưng có một số nông sản không có lợi thế cạnh tranh, thậm chí sản xuất không đáp ứng được nhu cầu nội địa mà còn phải nhập khẩu như bông, ngô, đỗ tương, sữa.
ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) tiếp tục "truy": “Tại sao chúng ta là một nước nông nghiệp nhưng Chính phủ lại cho phép nhập khẩu mặt hàng ngô, muối, đỗ tương?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Ngô, chúng tôi cho rằng chúng ta có thể khắc phục được bằng cách cải tiến giống. Tương tự như vậy đối với muối, tôi tin là sang năm sản xuất muối của ta tăng mạnh hơn, từng bước đáp ứng được trong nước”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải thích thêm, mặc dù chúng ta đã có cố gắng nhưng đối với mặt hàng bông, đỗ tương, thuốc lá thì khó có thể đáp ứng được nhu cầu của trong nước. “Chúng ta tập trung vào sản xuất các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh” - Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng: “Về cây bông, cả hai Bộ trưởng giải thích đều chưa thuyết phục. Chúng tôi đã đề xuất phát triển cây bông ở Bình Thuận nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm”. Bộ trưởng Phát giải thích: “Năng suất bông của chúng ta còn thấp, so với những nước sản xuất bông thì chúng ta khó cạnh tranh”.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng không hài lòng với cách giải thích của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc nhập khẩu muối: “Chúng ta có bờ biển dài nhưng vẫn phải nhập khẩu muối, câu chuyện này giải thích chưa được sâu sắc lắm”.
ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi: “Hạt giống và phân bón giả đang là nỗi bức xúc của người dân, xin Bộ nêu trách nhiệm của mình”. Bộ trưởng: “Khuyết điểm của tôi là chậm chỉ đạo hoàn thiện cơ sở pháp lý, thiếu kiểm tra đôn đốc quyết liệt”.
ĐB Hoàng Văn Em (Quảng Trị) đặt câu hỏi: “Tư thương tranh mua ép giá nông dân, Bộ trưởng có biện pháp gì để bảo vệ sản xuất của người dân?”. Bộ trưởng: “Theo cơ chế thị trường thì phải cạnh tranh. Trong hệ thống thương mại có tư thương, có nhà nước, chúng ta không nên nói tư thương ép giá, đấy là một bộ phận kinh doanh”.
ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) lên tiếng: “Khi nào tất cả diện tích rau xanh của chúng ta mới được trồng trong nhà lưới?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Cố gắng đến năm 2015 thì phần lớn rau của ta được sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó có thể trồng trong nhà lưới, có thể không cần thiết”.
Về gói kích cầu trong nông nghiệp, người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, Chính phủ xác định kích cầu cho nông nghiệp nông thôn sẽ đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế, trong tổng số hơn 300 nghìn tỉ đồng kích cầu, Chính phủ dành 18% cho nông dân vay. Ở những vùng khó khăn, Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ 61 huyện nghèo, ngoài ra còn nhiều chương trình khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) lo lắng trước tình trạng người nông dân thiếu sân phơi lúa khi thu hoạch, dân phải phơi lúa ra đường đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm. ĐB Khá đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong gói kích cầu có kế hoạch khắc phục tình trạng này không? Bộ trưởng đáp: “Trong gói kích cầu có cho nông dân vay mua máy sấy”.
Trưởng đoàn ĐBQH Phú Yên Trịnh Thị Nga lên tiếng: “Bộ có giải pháp gì giúp ngư dân được cung cấp nhiên liệu ngay tại ngoài khơi?”. Bộ trưởng cho biết, ý tưởng hình thành cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ngay trên biển là rất tốt. Bộ trưởng cho biết thêm, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH từ kỳ họp trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình để Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản khi bị dịch bệnh.
Về kiến nghị thay vì hỗ trợ trực tiếp nông dân bị thiệt hại do bão, lũ, Chính phủ nên hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm cây trồng, Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ hình thành nhưng tốt nhất vẫn là duy trì cả hai hình thức hỗ trợ.
Xuân Toàn
Bình luận (0)