Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn

04/06/2024 07:09 GMT+7

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh sẽ là trưởng ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV.

Sáng nay 4.6, chương trình phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV chính thức bắt đầu, dự kiến kéo dài đến 6.6.

Theo chương trình, lĩnh vực được chất vấn đầu tiên là TN-MT. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: KH-ĐT, Tài chính, NN-PTNT, Xây dựng, GTVT cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đây cũng là lần đầu tiên ông Đặng Quốc Khánh đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, kể từ khi giữ cương vị cao nhất tại Bộ TN-MT hồi tháng 5.2023.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn- Ảnh 1.

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh

GIA HÂN

Ông Đặng Quốc Khánh cùng các thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước.

Cùng đó là giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Ô nhiễm nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng

Để phục vụ nội dung phiên chất vấn, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh trước đó đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội.

Theo người đứng đầu ngành TN-MT, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước ở khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan.

Xâm nhập mặn liên tục xảy ra đối với vùng ĐBSCL. Mùa khô năm nay, lượng nước về ĐBSCL qua Tân Châu, Châu Đốc trên sông Tiền và sông Hậu (tính hết tháng 4.2024) khoảng 75 tỉ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%. Riêng tháng 5.2024 khoảng 11 tỉ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19%.

Kết quả thống kê cũng cho thấy, xâm nhập mặn cao nhất vào trung tuần tháng 3.2024, sâu vào các sông (sông Tiền, sông Hậu) khoảng 50 - 65 km.

Vẫn theo Bộ trưởng TN-MT, tình hình ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng gia tăng. Các hoạt động xả thải, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, đã gây sức ép nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước (lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Cầu và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải,...).

Tình trạng suy giảm, cạn kiệt dòng chảy xảy ra ở nhiều dòng sông, đoạn sông. Điển hình là hạ lưu các sông chính như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba…

Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 75 sự cố vỡ đập, hồ chứa thủy lợi và 14 sự cố mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Nguyên nhân do ảnh hưởng của mưa, lũ, công trình xuống cấp, năng lực quản lý yếu kém.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn- Ảnh 2.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng

T.N

Ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết"

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết thêm, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam hiện nay chỉ đạt mức 2/5.

Trong khi đó, Indonesia đạt mức 3/5, Hàn Quốc và Úc đạt 4/5 là mức cao nhất thế giới năm 2020.

Để cải thiện an ninh nguồn nước, Bộ TN-MT sẽ thực hiện 14 nhóm giải pháp, tập trung vào việc phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm và ô nhiễm nguồn nước.

Hàng năm, Bộ TN-MT sẽ công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh. Kịch bản là căn cứ để điều hòa phân bổ nguồn nước và các bộ, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Điều này giúp chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; nâng cao tính chủ động của từng địa phương trong việc ứng phó với tình huống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bộ TN-MT dự kiến trình Thủ tướng điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng vận hành linh hoạt (trong năm 2025); đồng thời rà soát, đảm bảo 100% hồ chứa thủy điện lớn được kiểm soát, giám sát trực tuyến.

Đặc biệt, Bộ TN-MT sẽ xây dựng, trình Thủ tướng đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; trong đó ưu tiên làm "sống lại" các "dòng sông chết", nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.