Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chương trình giảm nghèo sẽ hỗ trợ hộ nghèo do Covid-19

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/07/2021 14:23 GMT+7

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 - 2025 với nguồn vốn 75.000 tỉ đồng sẽ hỗ trợ cả những hộ nghèo phát sinh do Covid-19 , cả ở nông thôn, thành thị, theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội.

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sáng 27.7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều với mức giảm số hộ nghèo bình quân từ 1 - 1,5% mỗi năm.
Trong khi đó, chuẩn nghèo được nâng lên từ mức thu nhập 700.000 đồng/tháng hiện nay lên 1,5 triệu/tháng (khu vực nông thôn) và từ 900.000 đồng/tháng lên 2 triệu đồng (khu vực thành thị).
Theo ông Dung, với chuẩn mới, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao. Cụ thể, ông Dung cho biết, theo tiêu chí hiện nay, chúng ta có khoảng 160.000 hộ với 608.000 người. Tuy nhiên, theo chuẩn mới ước khoảng 400.000 hộ với 1,5 triệu người.
"Giai đoạn này chúng ta phải lo vừa giảm về tỷ lệ nhưng đồng thời phải quan tâm hơn giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt", ông Dung thông tin.
Với những ý kiến về sự trùng lặp giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã và sẽ triển khai (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững - phóng viên), ông Dung cho biết, Chương trình quốc gia về giảm nghèo có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, đối tượng của chương trình này còn bao gồm các đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, trong đó kể cả những ảnh hưởng do dịch Covid-19, đối tượng nghèo, kể cả ở nông thôn và thành thị.
Trong khi đó, ông Dung giải thích, phạm vi của chương trình nông dân mới là địa bàn nông thôn, các huyện, xã. "Thực tế, 2 chương trình này trong giai đoạn 2016 - 2020 đã chạy song song, các nội dung tương đối tách bạch", ông Dung nói.
Đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Dung giải thích, về cơ bản có thể hiểu là tách một phần đối tượng và địa bàn từ chương trình giảm nghèo hiện nay. Tuy nhiên, phạm vi tập trung đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, do đó tương đối tách bạch.
Dù vậy, Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để chỉ đạo các chương trình đề xuất ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư; đồng thời xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp giao thoa.
Bên cạnh đó, sẽ đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững do Chính phủ trình Quốc hội kiến nghị sử dụng nguồn vốn 75.000 tỉ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư khoảng 48.000 tỉ đồng còn lại là ngân sách địa phương với 6 dự án và 11 tiểu dự án để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.