Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3, diễn ra tại Hà Nội trưa 1.4, rằng Bộ chưa bao giờ đề xuất về thời điểm áp dụng thu phí hạn chế phương tiện và cũng không đề xuất sẽ thu phí trong năm nay.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo những chỉ tiêu liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô trong tháng 3 cũng như 3 tháng đầu năm, và nhấn mạnh: “VN đã chuyển từ trạng thái thụ động với lạm phát sang điều hành chủ động theo lạm phát có mục tiêu, để cuối năm giữ lạm phát ở một con số và tăng trưởng 6% GDP”.
|
Để đạt được mục tiêu trên, tổng phương tiện thanh toán trong năm 2012 chỉ từ 15 - 17% và tổng dư nợ tín dụng nên ở mức 14 - 16%. Đầu năm, tổng phương tiện thanh toán của VN đang rất thấp, tổng dư nợ tín dụng thậm chí còn âm nên cuối năm sẽ điều hành linh hoạt, đảm bảo được cả chỉ số tăng trưởng cũng như kiềm chế lạm phát.
|
Lý giải việc mặt bằng lãi suất đã giảm theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng việc tiếp cận vốn vay vẫn khó khăn, thừa nhận “đúng là nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng có phần do lãi suất cao”, song Bộ trưởng cũng cho rằng việc doanh nghiệp tiếp cận vốn vay khó còn có nguyên nhân từ chính khả năng hoàn vốn của doanh nghiệp.
Về ý kiến của Bộ KH-ĐT mới đây đề nghị giãn thuế thu nhập cá nhân và giãn thuế cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: “Ý kiến của Bộ KH-ĐT cũng trùng với nhiều cơ quan, vì vậy Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Chính phủ vấn đề này để trình ra Ủy ban TVQH quyết định”.
“Không có chuyện năm nay thu phí”
Thu phí giao thông là một trong những vấn đề “nóng” được báo giới đặt nhiều câu hỏi tại cuộc họp báo.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, 2 loại phí mà Bộ GTVT đã trình Chính phủ (phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện giờ cao điểm ở nội đô 5 TP: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng 11.2011 vừa qua. “Bộ GTVT đã trình Thủ tướng đề án thu phí, vì đây là vấn đề liên quan đến rất nhiều người dân nên Thủ tướng đã giao các bộ, ngành phân tích kỹ nội dung, đánh giá tác động của việc thu phí đến người dân, đến nền kinh tế để đưa ra được luận cứ khoa học, sát thực tiễn, trình Thủ tướng xem xét trước khi trình Chính phủ quyết định có nên trình ra Ủy ban TVQH hay không”, Bộ trưởng nói thêm.
Hiện tại, đề án thu phí mới chỉ dừng ở Bộ GTVT đề xuất. Đến thời điểm này, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan chưa có báo cáo cuối cùng lên Chính phủ.
Có mặt tại cuộc họp báo, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giải thích các câu hỏi liên quan đến đề xuất thu phí. Theo đó, phí bảo trì đường bộ thực hiện từ 1.6 tới thực chất là để thực thi luật Giao thông đường bộ đã có hiệu lực thi hành từ 1.7.2009. Do các nghị định, thông tư hướng dẫn ban hành chậm nên đến nay mới thực hiện, chứ “hoàn toàn không phải là sáng kiến hay đề xuất mới gì của Bộ GTVT”.
|
Giải thích tiếp về lý do đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành vào giờ cao điểm ở nội đô 5 TP lớn, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh đây không phải là “sáng kiến gì” của Bộ GTVT. Theo ông, có 2 căn cứ để đưa ra đề án này, thứ nhất là căn cứ vào nội dung Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của QH tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, thứ hai là căn cứ vào Nghị quyết 13 của Hội nghị T.Ư 4, trong đó nêu rõ phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội. Mọi người dân đều có nghĩa vụ tham gia đóng góp.
Cũng theo Bộ trưởng Thăng, thời điểm thu hai loại phí này “ngay từ đầu Bộ chưa đề xuất vì tình hình kinh tế hiện đang khó khăn, cho nên không có chuyện năm nay thu phí, vì để ban hành được một văn bản quy phạm pháp luật còn mất rất nhiều thời gian theo quy trình”.
Tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp
Theo tính toán của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nếu thực hiện đề án thu phí nói trên, sẽ có khoảng 600.000 xe ô tô cá nhân thuộc diện thu phí, với xe máy thì ngay từ đầu dự kiến chỉ thu ở nội đô 5 TP trực thuộc T.Ư chứ không phải tất cả xe máy trong cả nước đều bị thu phí. Đối tượng nghèo được miễn thu và Bộ đề xuất giao HĐND, UBND các địa phương quyết định phương án thu, mức thu.
Ông Thăng đồng thời khẳng định, Bộ đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp nên mức phí dự kiến thu cũng có thay đổi, chẳng hạn, trước dự kiến mức thu chung các loại ô tô cá nhân từ 20 triệu - 50 triệu đồng, nay điều chỉnh lại và đã trình Chính phủ, dự kiến thu phí 10 triệu đồng/năm với xe dưới 1.0 (tức 1.000 phân khối), từ 1 - 1.5 là 15 triệu đồng/xe, từ 1.5 - 2.0 là 20 triệu đồng/xe, trên 2.0 - 2.5 là 25 triệu đồng/xe; tổng thu từ loại phí này khoảng 12.000 - 15.000 tỉ đồng/năm. Vì vậy, ngoài mục tiêu giảm phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc còn có mục tiêu tăng nguồn thu.
Trước câu hỏi Nghị quyết của QH đề nghị Bộ giảm ùn tắc, tai nạn và đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, tại sao Bộ chọn thu phí là giải pháp đầu tiên, có phải vì đây là cách dễ nhất? Bộ trưởng Thăng phản biện: "Đấy là nhà báo nói chứ tôi không nói thu phí của dân là dễ". Ông Thăng cũng khẳng định: Không chỉ có đề án thu phí, Bộ GTVT đang đề xuất, thực thi hàng loạt các giải pháp đồng bộ khác để giảm ùn tắc, tai nạn, như phân làn, phân tuyến ở nội đô TP.HCM, Hà Nội; đầu tư hạ tầng nâng cấp đường bộ cao tốc; cải tạo đường sắt; xây dựng đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và Chính phủ đã phê duyệt.
“Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang khẩn trương phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện đề án để trình Chính phủ xem xét, quyết định báo cáo Ủy ban TVQH”, Bộ trưởng cho biết, đồng thời “trấn an”: "Việc thu phí này cũng chỉ có giai đoạn lịch sử nhất định, khi mà đất nước phát triển, trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 thì lúc đó phí hạn chế phương tiện cá nhân có thể bỏ, vì lúc đó đất nước chúng ta phát triển rồi, hạ tầng phát triển rồi, thậm chí còn có thể khuyến khích sử dụng ô tô cũng như các loại phương tiện khác".
CPI tháng 3 chỉ tăng 0,16% Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2012 ước tăng 4%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2.2012; so với tháng 12.2011, CPI tháng 3.2012 tăng khoảng 2,55%, là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm qua. Trong quý 1/2012, số DN thành lập mới lớn hơn số DN giải thể và đăng ký ngừng hoạt động. Cụ thể, số thành lập mới trên 15.300 DN, trong khi đó số đã làm thủ tục giải thể là trên 2.200 DN và có trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. |
Bảo Cầm
Bình luận (0)