Theo Bộ GTVT, tính từ 1.4 sau khi chính thức áp dụng việc thực hiện trạm cân tại các địa phương, có 52/63 địa phương (bằng 82,5%) thực hiện, vẫn còn 11 địa phương chưa triển khai. Lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đến chủ trương này. Thậm chí, công an một số tỉnh, đặc biệt Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh còn viện lý do gây khó khăn cho đăng ký xe ô tô của trạm kiểm tra tải trọng xe như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, TP.HCM… Lực lượng CSGT tham gia cũng chỉ mang tính hình thức, đối phó, chỉ làm việc trong giờ hành chính, buổi trưa, tối không làm như Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Huế…
|
Việc nhiều địa phương không cho trạm cân hoạt động 24/24 giờ đã khiến xuất hiện tình trạng xe quá tải dừng đỗ ở hai phía, có trạm lên đến hàng trăm xe, khi trạm nghỉ thì các xe quá tải ồ ạt chạy.
Thậm chí, theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, tại tỉnh này đã xuất hiện tình trạng “cò” trạm cân, lợi dụng lúc trạm cân bị trục trặc, "cò" gọi cho các lái xe để chạy qua thật nhanh. Mỗi xe qua trạm trót lọt thì chung cho "cò" 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ông Trí cũng đề nghị công an, CSGT làm nghiêm tránh tình trạng nhũng nhiễu này.
Giám đốc công an tỉnh phải xử lý “xe vua”
Trước phản ánh của báo chí về tình trạng nhiều đoàn “xe vua” quá tải vẫn ngang nhiên qua trạm cân mà không bị xử lý, theo trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, để xử lý xe vua, giám đốc công an tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Bộ Công an.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đã gặp ông và cam kết không chở quá tải. “DN Xuân Thành lên gặp tôi cam kết cắt toàn bộ phần cơi nới”, ông Thăng nói.
Trước nhiều thông tin về việc giá cước vận tải tăng do xe quá tải bị xử lý, người đứng đầu ngành giao thông cho rằng, việc siết tải trọng là chủ trương đúng đắn, sẽ dần đưa giá cước vận tải về đúng vị trí và chắc chắn sẽ giảm xuống. Nếu không chở quá tải thì lái xe không việc gì phải mãi lộ.
Ông Thăng cũng khẳng định không có việc thực hiện quá sốc, gây khó khăn cho DN, vì lộ trình thực hiện trạm cân từ đầu năm 2013. Một số phản ánh hàng hóa ở cảng ứ đọng, nhưng không kiểm soát tải trọng vẫn ứ, như dưa hấu tại Lạng Sơn, năng lực thông quan chỉ 300 xe/ngày, đưa lên 700 xe/ngày thì ùn ứ. “Xe chở quá tải nông sản chỉ yêu cầu phạt rồi cho đi, không cần dỡ tải, có lộ trình thực hiện, trước mắt tạo điều kiện tiêu thụ cho nông dân. Cố gắng dồn cân về cảng để kiểm soát ngay từ đầu”, ông Thăng yêu cầu.
Ngoài việc Thanh tra GTVT sẽ có đề án riêng thực hiện chống tiêu cực, Bộ trưởng Thăng cũng khẳng định sẽ có chuyên đề riêng với công tác đăng kiểm. Cục Đăng kiểm làm nghiêm thì không có xe quá tải. “Nếu Cục năm nay không quyết tâm đổi mới, chống tiêu cực thì toàn bộ lãnh đạo Cục đi làm việc khác. Anh Trần Kỳ Hình, Cục trưởng đã cam kết. Cán bộ, kỹ sư đăng kiểm nhìn xe quá tải biết ngay, không có gì vô lý như người dân, phóng viên nhìn là biết mà đăng kiểm viên không biết. Sắp tới Bộ sẽ trình Chính phủ cấm toàn bộ xe hoán cải và có lộ trình xử lý những xe đã hoán cải”, ông Thăng nói.
>> Xe tải 'ăn vạ' trước trạm cân, QL1 tắc nghẽn
>> Xe tải xếp hàng né trạm cân
>> Xe quá tải nằm lì trên đường, né trạm cân
>> Né trạm cân, xe tải nối đuôi trên quốc lộ
Mai Hà
Bình luận (0)