Ngày 9.4, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT có buổi làm việc tại tỉnh Bình Định về công tác chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).
Vẫn còn tàu cá vi phạm
Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, tỉnh đã tổ chức rà soát danh sách tàu cá đăng ký, hướng dẫn ngư dân thực hiện việc đăng ký cấp phép khai thác thủy sản, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Tính đến ngày 31.3.2024, toàn tỉnh Bình Định có 5.311 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên được đăng ký. Trong đó có 5.003 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản, chiếm 94,20%, tăng thêm 3,91% so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng thêm 10,20% so với thời điểm đầu năm 2023.
Hiện nay, 100% tàu cá của tỉnh Bình Định có chiều dài từ 15 m trở lên tham gia hoạt động khai thác hải sản (3.215 tàu cá) được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định; còn lại 25 tàu cá không hoạt động (do bị hư hỏng, nằm bờ) nên chưa lắp GSHT. UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo kiểm tra, xác định nguyên nhân, vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu cá không hoạt động, yêu cầu các chủ tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi tham gia khai thác thủy sản.
Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Định có 5 tàu cá/34 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Trong đó, năm 2023 có 4 tàu cá/28 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ (giảm 7 tàu so với năm 2022), cả 4 tàu cá này đều xuất bến ngoài tỉnh Bình Định, hàng năm không về địa phương.
3 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bình Định có 1 tàu cá/6 ngư dân vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, bị Malaysia bắt giữ vào ngày 14.3.2024. Tỉnh đã chỉ đạo xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý khi có thông báo chính thức về trường hợp tàu cá này.
Nhiều hạn chế chưa xử lý dứt điểm
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế trong công tác chống khai thác IUU. Tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn, mặc dù UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo rất quyết liệt, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, xử lý, nhưng vì lợi ích kinh tế mà chủ tàu, thuyền trưởng đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
"Công tác quản lý tàu cá hoạt động vùng lộng ngoài tỉnh (tàu cá dưới 15 m) chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân do các tàu này không quy định phải trang bị giám sát hành trình nên không thể giám sát được hành trình. Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Định có 5 tàu bị nước ngoài bắt giữ thì tất cả 5 tàu xuất bến ngoài tỉnh, 4 tàu có chiều dài dưới 15 m", ông Phúc nói.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển; xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến và tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước.
Đồng thời, sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT để tỉnh Bình Định giải quyết, xử lý dứt điểm tàu cá chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ với các ngư dân tại cảng Đề Gi, Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: "Ngư dân có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế cũng như góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của đất nước. Không có tàu cá vi phạm, chỉ có người điều khiển con tàu đó vi phạm. Đó là bạn bè, hàng xóm, người thân của chính bà con ở đây. Chúng ta biết họ làm sai mà vẫn im lặng, là dung túng cho họ. Cái xấu không đáng sợ bằng sự im lặng của người tốt. Do đó, bà con ngư dân hãy lên tiếng để loại bỏ cái xấu, cùng với chính quyền xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm".
Đối với tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo: "Bà con ngư dân Bình Định đã chấp hành và thực hiện rất tốt luật Thủy sản 2017. Tuy nhiên, vẫn còn một số "con sâu" làm ảnh hưởng nồi canh. Rõ ràng, ngư dân ở đây rất tốt, nhưng lại phải chịu chung sự ảnh hưởng chỉ vì một số nhỏ người vi phạm. Vậy con sâu đó ở đâu, phải tìm cho ra ?".
Cũng theo tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xử phạt 115 trường hợp vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền là 3,37 tỉ đồng.
Cụ thể, năm 2023 xử phạt 109 trường hợp với số tiền là 3,2 tỉ đồng. Trong đó, UBND tỉnh Bình Định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với số tiền hơn 1,8 tỉ đồng; Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định phối hợp các lực lượng chức năng đã tổ chức 64 chuyến tuần tra và kiểm tra 447 lượt tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 73 trường hợp với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
3 tháng đầu năm 2024, xử phạt 6 trường hợp với số tiền là 165 triệu đồng.
Bình luận (0)