Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói về '2 cái nhất' của nông nghiệp Việt Nam

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/05/2018 17:49 GMT+7

Phát biểu tại Quốc hội chiều 25.5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước "2 cái nhất".

Theo ông Cường, thứ nhất là thách thức lớn nhất. "Tại sao lại nói thách thức lớn nhất, vì chúng ta đang đứng trước 3 thách thức lớn: thách thức của việc từ một nền nông nghiệp hộ nhỏ lẻ tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, thách thức của biến đổi khí hậu và thách thức của việc hội nhập quốc tế sâu rộng", ông Cường phân tích.
Cái nhất thứ 2, theo Bộ trưởng Cường, là vừa qua nông nghiệp đón nhận sự ủng hộ, quan tâm đồng bộ, chỉ đạo xuyên suốt "nhất" của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các thành phần kinh tế.
Ông Cường dẫn giải, Tổng bí thư khi đàm phán với các nước bao giờ cũng đề cập tới nông nghiệp. Về phía Quốc hội, ngành nông nghiệp hiện nay có 9 luật, nhưng trong 2 năm qua, đã thông qua 4 luật và 3 nghị quyết chuyên đề, cho thấy sự ưu tiên rất lớn của Quốc hội với nông nghiệp.
Trong khi đó, từ tháng 7.2016, Thủ tướng Chính phủ 17 lần trực tiếp chỉ đạo nông nghiệp, nông thôn, từ từng mặt hàng như lúa gạo, tôm; cho đến việc vào thẳng tâm bão để chỉ đạo.
Ngoài ra, bí thư, chủ tịch, hệ thống chính trị 63 tỉnh, thành đều thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư trong nông nghiệp, các thành phần kinh tế cũng vậy. "Điều này tạo ra sự lan tỏa", ông Cương khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, trong 2 năm vừa qua, từ 3.700 doanh nghiệp nông nghiệp đã tăng lên 7.620 doanh nghiệp, tăng gấp đôi; khả năng phục hồi sau thiên tai liên tục tăng; xuất khẩu nông sản liên tục tăng, đặc biệt là giá trị tuyệt đối nông sản rất cao (năm 2017 đạt 36,2 tỉ USD và dự kiến năm 2018 sẽ là trên 40 tỉ USD); giá trị thặng dư ngành nông nghiệp cũng liên tục tăng từ 2015 tới nay và dự kiến năm nay sẽ vượt con số 9 tỉ USD...
Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận, việc đi lên nền nông nghiệp hiện đại rất cần thời gian, và hiện nay nền nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Theo Bộ trưởng Cường, tính liên kết trong sản xuất, sản phẩm ngành nông nghiệp Việt Nam còn yếu. Ngành chế biến chưa tương xứng với sản xuất, kể cả những ngành được coi là thế mạnh. Sản phẩm nông nghiệp vẫn dư thừa cục bộ, nhất là khi thị trường thế giới biến động, chuỗi giá trị chưa cao. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, từ quản lý vật tư đầu vào cho tới quản lý lưu thông hàng hóa, tổ chức thị trường...
Ngoài ra, ông Cường cho rằng, thị trường xuất khẩu yếu, chưa ổn định, sản phẩm Việt Nam chưa có thương hiệu, mẫu mã bao bì chưa tốt, thị trường trong nước cũng chưa tổ chứ tốt và những nút thắt trong đất đai, tín dụng cũng là những tồn tại của ngành nông nghiệp hiện nay.
Giá trị gia tăng ai là người hưởng?
Bấm nút tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) "chất vấn": "Tôi xin Bộ trưởng nhìn thẳng hơn một chút, rằng những giá trị giá tăng đó ai là người thụ hưởng, có phải là người nông dân không?
Theo đại biểu Ngân, năm 2011 năng suất lao động chung của cả nước là 55,2 triệu, năng suất lao động của lĩnh vực nông nghiệp là 22,3 triệu, bằng 40% năng suất lao động bình quân. Nhưng năm 2017, năng suất lao động của lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn bằng hơn 38%, có nghĩa là đang giảm.
"Tôi mong Bộ trưởng lưu ý rằng, chi phí trung gian đã ăn hết công sức lao động của người nông dân. Lưu ý việc này để khi chúng ta tái cơ cấu thì lưu ý cơ cấu lại nông nghiệp, vấn đề cơ cấu lại cây trồng và thậm chí là rà soát lại quy hoạch, quy hoạch đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long hay là các quy hoạch ở các khu khác", ông Ngân đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.