Theo thông báo được đăng trên trang web Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Carter sẽ có chuyến công du 2 tuần (từ ngày 3.12 - 16.12), gặp gỡ các đối tác quan trọng ở châu Á, Trung Đông và châu Âu. Ông sẽ nhấn mạnh các ưu tiên của Mỹ, bao gồm chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương, cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ông Carter sẽ dừng chân California trước khi tới Nhật Bản, Ấn Độ, Bahrain, Israel, Ý và Anh. Reuters cho biết đây sẽ là chuyến công du cuối cùng của ông Carter đến châu Á trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc.
Bộ trưởng Carter sẽ thăm các binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản vào ngày 6.12 và gặp gỡ các quan chức cấp cao Nhật Bản. Ngày 7.12, ông sẽ hội đàm với nữ Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada nhằm khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh lâu năm Mỹ - Nhật.
Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, ông Carter cũng sẽ nhấn mạnh sự hiện diện của 50.000 lính Mỹ tại Nhật Bản, trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy và những mối đe dọa đang gia tăng từ phía Triều Tiên.
Mặc dù cố gắng xoa dịu những lo ngại của các đồng minh sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, nhưng Reuters nhận định những phát biểu của Bộ trưởng Carter sẽ bị hạn chế. Theo Reuters, phần vì ông Carter sắp hết nhiệm kỳ và ông cũng không đại diện cho những chính sách "còn mơ hồ" của ông Trump.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump khiến các đồng minh châu Á lo ngại khi nói rằng Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả thêm tiền nếu muốn lính Mỹ tiếp tục hiện diện. Ông Trump cũng từng tuyên bố các đồng minh nên tự trang bị vũ khí hạt nhân hơn là dựa vào ô hạt nhân của Mỹ.
Đó là những phát biểu lúc tranh cử, còn chính sách mà Tổng thống đắc cử Trump theo đuổi sau khi nhậm chức ngày 20.1.2017 vẫn chưa thể nói trước điều gì. Trên thực tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm với ông Trump sau khi ông thắng cử. Sau cuộc gặp, ông Abe nhận xét ông Trump là nhà lãnh đạo đáng tin cậy.
|
Quay lại chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Carter, sau khi thăm Nhật Bản ông sẽ tới Ấn Độ - cũng là một đối tác quan trọng tại châu Á. Ông Carter sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ chiến lược giữa hai bên. Với Ấn Độ, ông Trump từng cam kết Mỹ và Ấn Độ sẽ là những người bạn tốt nhất.
Những điểm dừng tiếp theo trong chuyến công du sắp tới của ông Carter đều là những đối tác và đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông (Bahrain, Israel) và châu Âu (Anh, Ý). Đây có thể coi là những nỗ lực cuối cùng của ông Carter trước khi hết nhiệm kỳ.
Tuy nhiên nhà phân tích quốc phòng Reed Foster của IHS Jane's đánh giá rằng: "Dù ông Carter nói gì thì những dư âm mà ông Trump mang lại trong cuộc bầu cử cũng khiến nhiều nước phải dự tính cho một tương lai mà sự hiện diện của Mỹ có thể không còn chắc chắn".
Bình luận (0)