Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh: “Không lo lộ bí mật quân sự khi tàu nước ngoài vào Cam Ranh”

02/11/2010 01:51 GMT+7

“Việc xây dựng Trung tâm cảng dịch vụ tại Cam Ranh chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế và không lo lộ bí mật quân sự”, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trả lời báo chí sáng qua 1.11 bên hành lang Quốc hội.

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng trung tâm cảng dịch vụ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua?

Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh khẳng định Trung tâm cảng dịch vụ không ảnh hưởng bí mật quân sự - Ảnh: Ngọc Thắng

- VN sẽ xây dựng cảng Cam Ranh thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp (Trung tâm) bằng nguồn lực của chính mình. Trung tâm này phục vụ lực lượng hải quân của QĐND VN, và không loại trừ việc cho phép tàu của các nước đang có tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền với VN ra vào cảng. Vì hiện nay, chúng ta vẫn cho tàu quân sự của nhiều nước vào các cảng của chúng ta theo con đường ngoại giao.

Đây là khu vực chỉ để làm hậu cần kỹ thuật. Và tôi cũng phải nhấn mạnh một điều là căn cứ dành riêng cho tàu nổi và tàu ngầm của VN là riêng, còn khu làm dịch vụ hậu cần là riêng, không lẫn lộn. Do đó không lo lộ bí mật quân sự của chúng ta. Trung tâm cũng không phải là căn cứ của nước ngoài hay nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật. Chủ quyền của Trung tâm hoàn toàn thuộc về VN.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói VN đang xem xét ký hợp đồng thuê doanh nghiệp có khả năng, trình độ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm, chuyên ngành của Nga để tư vấn giúp VN xây dựng Trung tâm này. Việc này được hiểu như thế nào?

- Vấn đề này rất dễ hiểu. Vũ khí, khí tài quân sự trước đây của VN đều do Liên Xô viện trợ và hiện vẫn đang được bảo quản theo phương thức “giữ tốt, dùng bền”. Các vũ khí mà chúng ta sẽ mua chủ yếu vẫn là của Nga, bởi đây là đối tác chiến lược. Về mặt chính trị, Nga là đối tác tin cậy. Về mặt công nghệ, vũ khí của Nga cũng hiện đại và chúng ta quen sử dụng, đã được kiểm chứng. Nga hiện nay vẫn là một trong những cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, giá cả của họ cũng rẻ hơn nhiều so với giá chủng loại vũ khí tương tự của các nước phương Tây.

 

Không ảnh vịnh Cam Ranh - Nguồn: Google Earth

Chính vì những lý do trên mà chúng ta vẫn phải thuê chuyên gia của Nga để làm tư vấn, vận hành ban đầu, cũng như sử dụng công nghệ của Nga trong việc xây dựng Trung tâm. Và điều quan trọng là giá cả cho việc mua công nghệ, thuê chuyên gia tư vấn, vận hành thì tôi chắc chắn là cũng rẻ hơn nhiều so với của các nước phương Tây.

* Tại sao cảng Cam Ranh luôn có ưu thế hấp dẫn hơn so với các cảng biển quân sự, dịch vụ khác trong khu vực, dù chất lượng cung cấp dịch vụ của chúng ta chưa phải là tốt nhất?

- Cam Ranh là cảng nước sâu, nên các tàu lớn đều có thể ra vào được. Cảng này nằm trong vịnh nên kín gió, các tàu to hay nhỏ đều có thể vào để trú bão và sử dụng dịch vụ của Trung tâm. Bên cạnh đó, cảng này lại nằm gần với đường hàng hải quốc tế, rất thuận tiện cho việc ra vào. Và thêm nữa, cảng Cam Ranh là cảng quân sự nổi tiếng trên thế giới.

* Khả năng cạnh tranh của Trung tâm này so với các dịch vụ khác trong khu vực, xét về hiệu quả kinh tế, là như thế nào?

- Ở thời điểm này chưa thể nói quy mô và tổng mức đầu tư cho Trung tâm. Tuy nhiên, hướng của Trung tâm sẽ là sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa với cả tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu quân sự, tàu dân sự...., còn đại tu thì mình chưa thể làm được. Trung tâm chủ yếu phục vụ mục đích quân sự, sửa chữa cho tàu VN. Nhưng nếu chỉ vậy thì lãng phí, vì công suất lớn mà ta làm ít, số lượng tàu của ta còn có mức độ nên ta phải làm dịch vụ cho cả tàu của nước ngoài để bù lại chi phí, từ đó đạt được hiệu quả và năng lực của Trung tâm.

Chắc chắn là có lãi. Tôi đã đi tham quan nhiều nước, kể cả trong khu vực như Singapore. Dịch vụ của họ thu lãi rất nhiều khi cho tàu nước ngoài vào làm dịch vụ.

* Hiện tại đã có quốc gia nào đặt vấn đề hợp tác với VN trong việc khai thác Trung tâm này chưa?

- Tôi biết rằng nhiều nước đã tỏ ý quan tâm vấn đề này. Chính thức đặt vấn đề với VN là Nga. Các nước ASEAN khác cũng nằm trong vùng biển này nên khả năng hợp tác cũng chỉ dừng ở mức độ. Còn các cường quốc khác thì chưa đặt vấn đề với mình. Một khi họ chính thức lên tiếng, thì sẽ trả lời khi chúng tôi hoàn thành dự án, đánh giá năng lực và có thể đàm phán ký kết hợp đồng kinh tế.

Vấn đề này có nhanh cũng phải mất 3 năm mới hoàn thành được Trung tâm.

Thành Lương (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.