Bộ trưởng Thương mại nói gì về chất lượng xăng dầu?

16/06/2007 12:55 GMT+7

Chiều hôm qua 15.6, trong cuộc họp với đại diện các cơ quan báo chí tại Hà Nội, sau khi chúc mừng các nhà báo nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6), Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã nói về những vấn đề mà Báo Thanh Niên nêu trong loạt bài: Euro 2 và chất lượng xăng dầu: Những "nỗ lực" làm nhỏ đất nước...

Sau đó, ông đã trả lời các câu hỏi của phóng viên Báo Thanh Niên về vấn đề này. Chúng tôi xin đăng toàn bộ nội dung mà Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phát biểu:

"Chính phủ ban hành tiêu chuẩn xăng dầu nhập khẩu bảo đảm Euro 2 để bảo vệ môi trường. Theo nguyên tắc sau 15 ngày ban hành thì tiêu chuẩn phải được áp dụng. Tuy nhiên có thực tế, theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, tiêu chuẩn là hướng dẫn chỉ khuyến khích áp dụng chứ không bắt buộc.

Vì vậy, các cơ quan nhà nước phải định nghĩa rõ, quy chuẩn nào bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn nào khuyến khích áp dụng. Khi chính phủ ban hành, Bộ Thương mại thấy có các vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, phải nhanh chóng ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Với quy chuẩn ấy, các bên nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng theo đúng quy chuẩn. Đó là cái bắt buộc thực hiện thì chúng ta chưa có. Hiện nay, Luật Tiêu chuẩn quy định rất rõ, tiêu chuẩn chỉ khuyến khích áp dụng. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) có thể áp dụng hoặc không áp dụng. Tiêu chuẩn Việt Nam quy định, xăng có 15 tiêu chuẩn, còn dầu diesel có 14 tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trong 15 tiêu chuẩn ấy, tiêu chuẩn nào gọi là quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng thì chưa có.

Thứ 2, khi ban hành tiêu chuẩn lại "đẻ" ra một vấn đề trong thực tiễn kinh doanh là phải tổ chức lại các kho bãi. Bởi chúng ta có 2 loại diesel có hàm lượng lưu huỳnh khác nhau. Như vậy, rõ ràng phải quy hoạch lại hệ thống công nghệ để có thể chứa riêng. Ngay các trạm xăng, cột diesel chỉ có một cái. Vì người mua diesel ít hơn rất nhiều so với xăng. Nếu như có hai loại thì phải lắp thêm. Đây cũng là vấn đề phải có thời gian để làm.

Thứ 3, lượng xăng dầu tồn kho theo tiêu chuẩn cũ phải xử lý như thế nào? Phải có thời gian kiểm kê, thời gian tiêu thụ hết xăng dầu ấy. Thứ 4, những hợp đồng đã ký kết theo tiêu chuẩn cũ phải điều chỉnh như thế nào ? Cuối cùng, với một sản phẩm có 15 tiêu chuẩn như vậy, số lượng nhà cung cấp phù hợp với 15 tiêu chuẩn đó không nhiều, rất khó mua. Nhất là năm ngoái giá xăng dầu lên rất cao. Trước tình hình ấy, Bộ Thương mại đề nghị Chính phủ cho lùi lại để giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Với hai lý do: một là, đảm bảo nguồn cung xăng dầu đầy đủ không gây sốt, không gây khủng hoảng nhiên liệu năng lượng.

Bộ Thương mại phải chọn giải pháp cấp thiết nhất làm thế nào cung ứng ổn định nguồn xăng dầu. Và có thời gian để xử lý những vấn đề phát sinh trong tiến trình thực hiện đổi mới. Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho các bộ lùi lại thời gian áp dụng từ 1.1.2007 chứ không phải từ 15 ngày Chính phủ ra quy định mới. Nhưng đến 1.1.2007, chúng ta vẫn chưa ban hành quy chuẩn bắt buộc để kiểm tra chất lượng xăng dầu.

Nhưng dù có những khó khăn phát sinh, Bộ Thương mại không đề nghị với Chính phủ lùi thời gian áp dụng tiêu chuẩn mới, vì tiêu chuẩn này có lợi cho môi trường, cho sức khỏe và môi trường sống. Những tiêu chuẩn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng phải áp dụng ngay lập tức. Tuy nhiên, một số tiêu chuẩn xét thấy không tác động đến môi trường và điều kiện sống của con người thì có thể trong lộ trình thực hiện, các DN sẽ kịp thời chuyển đổi. Đề nghị của Bộ Thương mại hoàn toàn không có nghĩa bênh DN để hạ thấp tiêu chuẩn.

Và trong thực tế, từ 1.1.2007 đến nay, tất cả xăng dầu nhập khẩu đều ở những mức phù hợp với tiêu chuẩn của Chính phủ ban hành. Không có chuyện nhập xăng dầu bẩn vào Việt Nam như báo chí nói. Cũng không có chuyện Bộ Thương mại "bảo kê" cho DN đưa xăng dầu bẩn vào Việt Nam. Xăng dầu nhập từ 1.1.2007 cũng được sử dụng ở những nước sản xuất chứ không phải đặt riêng, làm riêng sản phẩm thấp cấp cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhược điểm ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước, không chỉ là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thương mại, là khi chúng ta ban hành tiêu chuẩn chúng ta không lường trước hết thực tiễn sẽ xảy ra vấn đề gì, sẽ phát sinh vấn đề gì. Tôi nghĩ thiếu sót ở đây là khi Bộ Giao thông Vận tải áp dụng Euro 2 thì cũng không trao đổi với Bộ Khoa học và Công nghệ. Khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn Việt Nam cũng không nhanh chóng làm rõ cái gì bắt buộc áp dụng, cái gì tham khảo, khuyến khích áp dụng. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn không quy định danh mục tiêu chuẩn nào bắt buộc áp dụng, bắt buộc kiểm tra thực hiện.

Tôi khẳng định lại, chúng ta không nhập khẩu xăng dầu bẩn vào Việt Nam. Các lô dầu chúng ta sử dụng từ 1.1.2007 là loại được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tờ trình của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Thương mại) vẫn cho rằng cần tiệm cận với loại xăng dầu tốt trên thế giới, chứ không nên vì khó khăn tạm thời mà lùi lại, trừ trường hợp đặc biệt quá mới xin Chính phủ. Thái độ của Bộ Thương mại như vậy. Nhân đây, tôi cũng báo cáo với người tiêu dùng, với nhân dân biết, Bộ Thương mại không thông đồng với DN để hạ thấp tiêu chuẩn xăng dầu nhập khẩu. Không có chuyện chúng ta nhập khẩu xăng dầu bẩn”.

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển trả lời Báo Thanh Niên

 

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển

* Thanh Niên: Bộ trưởng có nói xăng dầu nhập khẩu từ 1.1.2007 đều đạt tiêu chuẩn. Nhưng trên thực tế một số cơ quan cho rằng chất lượng không đạt. Một số DN kinh doanh xăng dầu khi chúng tôi đặt câu hỏi cũng xác nhận nhiều lô xăng dầu họ nhập về không đạt tiêu chuẩn. Gần đây các Hiệp hội ô tô xe máy, Hiệp hội lắp ráp ô tô và một số doanh nghiệp đã lên tiếng, thậm chí đã gửi văn bản tới các cơ quan quản lý phán ánh nhiên liệu gần đây nhập về hàm lượng lưu huỳnh quá cao làm cho nhiều phương tiện xe, máy móc hư hỏng rất nhanh. Xin Bộ trưởng giải thích về vấn đề này.

- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Tiêu chuẩn lưu huỳnh là 500 mg/kg. Tất cả các giám định thư của các DN nhập khẩu đều cho thấy: trên thực tế, 45 lô của Petrolimex, 26 lô của Petec, 12 lô PT... đều dưới 300mg hoặc từ 300-500 mg. Không có lô nào vượt quá 500 mg. Hàm lượng benzen, theo tiêu chuẩn là 2,5% thì 62 lô nhập khẩu của Petrolimex, 21 lô của Petec, 6 lô của PT đều có hàm lượng từ 1,5-2,5%; nhiều lô dưới 0,5%. Tất cả đều thể hiện trong đơn giám định, được cơ quan giám định kiểm tra. Nếu có số liệu giám định thấp, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm. 

* Thanh Niên: Bộ trưởng nói, các lô hàng dầu diesel nhập về đều có tiêu chuẩn từ 300-500 mg lưu huỳnh/kg dầu. Nhưng tại sao ở ngay các cột bơm xăng, dầu cũng đã cho thấy chỉ số lưu huỳnh là 2.500 mg S/kg và bản thân các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng cho biết là họ nhập loại 2.500 mg S/kg dầu (trong khi đây lại là tiêu chuẩn áp dụng cho các động cơ tĩnh chứ không phải cho phương tiện giao thông đường bộ)? Một nghiên cứu của tổ chức "Không khí sạch" của Thụy Sĩ tại Hà Nội đã cho thấy, hàm lượng lưu huỳnh, benzen trong khí thải cao hơn nhiều lần cho phép. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các DN vận tải cũng đã phản ánh về hàm lượng lưu huỳnh quá cao như Công ty ô tô Trường Hải, Công ty Ford ?

- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Tôi cho rằng, ý kiến của các nhà sản xuất ô tô thì cũng phải căn cứ vào tiêu chuẩn hóa nghiệm. Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng - cơ quan quản chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tiêu chuẩn đã nói rằng, toàn bộ các lô xăng dầu nhập khẩu từ 1.1.2007 đến nay đều đạt tiêu chuẩn 2005. Điều này cũng được thể hiện trong các đơn giám định chất lượng hàng hóa từng lô hàng nhập khẩu chứ không thể chỉ nói mà không có căn cứ. Đương nhiên, điều này cũng giúp cho các nhà tiêu chuẩn phải kiểm tra lại nhưng trước hết, về mặt pháp lý, cơ quan quản lý chất lượng phải đứng ở vị trí trung gian khách quan để công bố việc này và chúng tôi tin vào sự công bố ấy.

Mặt khác, Nhà nước cho phép lưu hành 2 loại diesel có hàm lượng khác nhau (một loại không vượt quá 500 mg/kg đối với loại dùng cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và không vượt quá 2.500 mg/kg đối với loại dùng cho công nghiệp) thì vấn đề là làm thế nào để chống gian lận, cũng giống như hiện nay chúng ta đang lưu hành 3 loại xăng A83, A92 và A95, việc chống gian lận vẫn đang phải tiếp tục làm rõ. Chính vì vậy, Bộ Thương mại vừa quyết định là tất cả các cây xăng bán diesel phải ghi rõ là dành cho phương tiện vận tải ô tô chẳng hạn, để Nhà nước tăng cường khâu kiểm tra...

M.Q - T.H

 M.Q - T.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.