Ngày 23.2, theo nguồn tin của Thanh Niên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vừa có kết luận kiểm tra đối với Công văn số 3033/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo hướng dẫn tại Công văn số 3033/2021, luật Dạy nghề năm 2006 (có hiệu lực từ năm 2007) quy định trung tâm dạy nghề là "cơ sở dạy nghề", nhưng luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 (có hiệu lực từ năm 2015) quy định thay cụm từ "cơ sở dạy nghề" thành "cơ sở giáo dục nghề nghiệp".
Tuy nhiên, nhiều trung tâm dạy nghề và cơ sở đào tạo lái xe chưa thực hiện việc đổi tên sau khi luật mới được ban hành và có hiệu lực. Do đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị sở LĐ-TB-XH các tỉnh rà soát, hướng dẫn các cơ sở này thực hiện đổi tên theo hướng bảo đảm tên gọi có cụm từ "giáo dục nghề nghiệp".
Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và các văn bản liên quan không quy định các cơ sở dạy nghề đã được thành lập, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo luật Dạy nghề năm 2006 phải chuyển đổi tên theo hướng có cụm từ "giáo dục nghề nghiệp".
Với điều kiện đăng ký hoạt động và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và các văn bản liên quan cũng không quy định điều kiện về tên gọi.
Năm 2015, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH ban hành Thông tư số 57 (có hiệu lực kể từ ngày 10.2.2016) quy định về việc trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải có tên gọi chứa cụm từ "trung tâm giáo dục nghề nghiệp". Nhưng trước thời điểm thông tư này có hiệu lực, chưa có quy định pháp luật bắt buộc về tên gọi đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Tổng hợp các căn cứ đã nêu, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng không có cơ sở pháp lý để yêu cầu những trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập trước ngày 10.2.2016 (bao gồm các trung tâm thành lập theo luật Dạy nghề năm 2006) phải đổi tên để bảo đảm tên gọi có cụm từ "giáo dục nghề nghiệp".
Với các trường hợp thành lập sau ngày 10.2.2016, nếu trung tâm giáo dục nghề nghiệp nào không đảm bảo quy định về tên gọi thì trách nhiệm thuộc về cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chứ không thể yêu cầu các trung tâm phải thực hiện thủ tục đổi tên.
Việc buộc các trung tâm phải làm việc này có thể dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã, đang tham gia đào tạo.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật còn cho rằng Công văn số 3033/2021 là văn bản hành chính nhưng có chứa đựng nội dung mang tính quy phạm pháp luật, là trái pháp luật, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 điều 14 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Cục cũng nhận định cần có những đánh giá về mục tiêu, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc yêu cầu đổi tên; đồng thời, đánh giá về những hậu quả, ảnh hưởng của yêu cầu này đối với quyền, lợi ích, hoạt động của các cơ sở dạy nghề.
Từ góc độ thực tiễn, việc đổi tên thuần túy không mang lại giá trị trong hoạt động của các trung tâm dạy nghề, cũng như trong công tác quản lý nhà nước. Thay vào đó, các cơ sở dạy nghề (trong đó có trung tâm dạy nghề) cần đáp ứng những điều kiện thành lập, hoạt động theo quy định của luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm điều kiện thành lập, hoạt động đã được pháp luật quy định…
Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương xử lý các nội dung trái pháp luật được nêu tại kết luận kiểm tra.
Liên quan đến vấn đề trên, sáng cùng ngày, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, ngày 12.1 vừa qua, đơn vị có làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhưng đến nay chưa nhận được kết luận kiểm tra. Trường hợp nhận được, đơn vị sẽ báo cáo.
Bóng đá Thanh Niên Sinh viên ngày 23.2: HUTECH ngược dòng ngoạn mục | Ngoại binh Lào tiếc nuối sau trận thua
Bình luận (0)