Xe

Bộ Y tế công bố những loại hải sản an toàn sau sự cố Formosa

20/09/2016 09:48 GMT+7

Tất cả các loại cá tầng nổi, hải sản nuôi tại 4 tỉnh miền Trung đều đã an toàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã công bố kết quả này, tại giao ban Ban Tuyên giáo T.Ư sáng nay.

Theo kết quả nghiên cứu hải sản đánh bắt tại biển 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế do Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh này đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có Xyanua - chất độc do Formosa thải ra, được xác định là một trong những nguyên nhân gây chết cá hàng loạt.
Các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 4 tỉnh miền Trung đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định.
Đối với hải sản tại các đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung cũng đều đảm bảo an toàn.

Với chất độc Phenol, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hổ, cá bò, cá cam, cá trích, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có Phenol.
Theo kết quả nghiên cứu, có 132 trong tổng số 1.040 mẫu hải sản sống ở tầng đáy của 4 tỉnh miền Trung có Phenol ở các loại: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá. Phân bố 132 mẫu hải sản phát hiện có phenol đều nằm trong vùng bán kính từ 5-25 km (tương đương từ khoảng 2,7-13,5 hải lý). Tỉ lệ nhiễm cao nhất ở biển Hà Tĩnh và Quảng Bình, thấp nhất ở biển Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

tin liên quan

Ngư dân khốn đốn vì cá không bán được
Trong khi cơ quan chức năng còn loay hoay với việc có tiếp tục cho Formosa xả thải ra biển hay không thì ở 4 tỉnh miền Trung ngư dân vẫn đang chịu hậu quả vì thảm họa do Formosa gây ra.
Bộ Y tế kết luận: “Tất cả hải sản cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hổ, cá bò, cá cam, cá trích, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản ở đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung đều có thể làm thực phẩm. Các loại hải sản khác như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng bán kính 20 hải lý chưa an toàn để làm thực phẩm”.
Bộ Y tế đề nghị UBND 4 tỉnh miền Trung tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phân loại hải sản theo từng lô, Sở Y tế lấy mẫu từng lô và kết quả cho từng đơn vị quản lý được cấp tỉnh giao nhiệm vụ. Chỉ cho phép lưu hành lô sản phẩm khi đã xét nghiệm an toàn. Đối với những lô hàng không đạt tiêu chuẩn, sẽ buộc tiêu hủy và đền bù theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo UBND 4 tỉnh miền Trung cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn về các loại hải sản chưa đảm bảo an toàn và chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo việc khai thác, sử dụng hải sản an toàn.
Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các loại hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung. Tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện phenol ở trên và các loại hải sản ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để xét nghiệm, giám sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.