Tại cuộc họp, đại diện các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đều đã triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với dịch cúm. Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai khu cấp cứu bệnh nhi và 2 sàn cấp cứu bệnh nhân; dồn máy thở cho khoa hồi sức; dự trữ 1.260 viên thuốc tamiflu...
Các bệnh viện khác như Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Nhi T.Ư cũng đã phân luồng ngay từ khoa khám bệnh để tránh dịch lây lan; dành điều trị cách ly các bệnh nhân mắc cúm; đồng thời, huy động nhân lực, trang thiết bị và thuốc men ứng phó với dịch cúm.
Đáng lưu ý, đại diện các bệnh viện đều cho biết, trong 2 - 3 tuần gần đây, số bệnh nhân nhiễm cúm tăng mạnh, nhiều trường hợp phải nhập viện do bội nhiễm viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí suy hô hấp, suy tạng.
Thống kê của Bệnh viên Xanh Pôn cho hay, từ đầu mùa đến nay có khoảng 400 bệnh nhân cúm điều trị, hiện đang điều trị nội trú cho 70 ca. Bệnh viện này vẫn đủ thuốc dành cho bệnh nhân nặng.
Đại diện Bệnh viện Đống Đa cho biết, từ đầu năm 2018, mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 10 bệnh nhân cúm đến khám mỗi ngày, đã dùng test chẩn đoán sáng lọc cúm để chẩn đoán kịp thời, có theo dõi sát để xử trí với các ca nhiễm cúm bội nhiễm.
tin liên quan
Những người mắc bệnh cúm dễ bị đau tim đột ngộtPhó giáo sư - tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cũng yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường việc giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, kiên quyết không để bùng phát dịch lớn.
“Các bệnh viện phải luôn trong tình trạng sẵn sàng để ứng phó kịp thời với dịch cúm, đặc biệt chú trọng kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện tốt việc phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm khi điều trị tại bệnh viện”, ông Khuê yêu cầu.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) trên gia cầm có độc lực mạnh có nguy cơ xuất hiện và lây lan trong trong dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018, vì đây là thời điểm nhu cầu vận chuyển và giết mổ gia cầm tăng mạnh.
“Người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; khi có biểu hiện như: sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời”, ông Phu đặc biệt lưu ý.
Bình luận (0)