(iHay) Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến với Hòa Bình, nhưng cảm giác lần này thật khác, thật khó tả, và thật sự là không dễ để có thể nói hết thành lời khi tôi được những người dân nơi đây đón tiếp như một người con đi xa lâu ngày trở về nhà.
Con đường đất dẫn thẳng xuống dòng sông Bôi
Trước khi đến với xóm Cành, xã Mỵ Hòa, Kim Bôi, Hòa Bình, tôi đã được nghe kể về cái thế độc đạo ở nơi này. Không những thế, tôi còn được nghe kể rất nhiều điều về tình người ở đây. Xóm Cành có 120 hộ dân chủ yếu là dân tộc Mường, sinh sống bằng nông nghiệp, trong đó có hơn 50% hộ thuộc diện nghèo.
Quả thực, khi được tận mắt chứng kiến và trải qua cảm giác bước đi chòng chành trên chiếc cầu tạm dân sinh được làm bằng tre, nứa và những chiếc thùng phuy nhựa bắc qua dòng sông Bôi, tôi mới cảm nhận được phần nào sự trắc trở trong việc đi lại của người dân xóm Cành và tôi hiểu vì sao số hộ nghèo trong xóm lại cao đến thế.
Để ra khỏi xóm Cành chỉ có một con đường duy nhất là phải vượt qua dòng sông Bôi. Thế nên, trước đây khi chưa có thuyền, bè người dân phải bơi vào mùa nước lũ, lội bì bõm vào mùa khô khi nước rút. Chính việc đi lại trắc trở này đã tạo ra nhiều mất mát, mà cái mất lớn nhất là mất đi những người thân. Hàng năm, người dân xóm Cành vẫn phải đỏ mắt tiễn đưa những người chẳng may bị dòng Bôi nhấn chìm về nơi chín suối.
Theo trí nhớ của ông Bạch Thanh Mân, trưởng xóm Cành thì năm nào dòng sông Bôi cũng gây nên một vài cái chết thương tâm. Ở đây, khi ra khỏi xóm đồng nghĩa với việc chấp nhận đánh cược tính mạng với dòng sông. Việc làm ấy, nó giống như một sự đánh đổi và đôi khi người ta phải trả một cái giá quá đắt vì đò giang cách trở.
Nhưng để sinh sống, để được đến trường cả người già và trẻ nhỏ ở đây hàng ngày vẫn phải bằng cách này hay cách khác đi lại trên dòng sông đó, việc này bao đời nay người dân xóm Cành vẫn làm thế. Tôi thấy sởn da gà khi ông Mân cho biết, cách đây vài năm, trên một chuyến đò chở hơn chục học sinh đi khai giảng năm học mới ra đến giữa sông thì bị dòng nước xoáy làm lật úp. Rất may, lần đó các em học sinh đều được cứu sống. Đúng là thật khó mà có thể tưởng tượng được sức tàn phá của dòng sông Bôi đang trôi hiền hòa, lặng lẽ kia mỗi khi vào mùa nuớc lũ.
Những câu chuyện buồn về những trường hợp ngã sông cứ nối dài mãi như dòng chảy bất tận của dòng Bôi chia cắt đôi bờ.
Muốn đi vào xóm Cành chỉ có một con đường duy nhất là phải vượt qua dòng sông Bôi
Khi tôi đang chìm trong dòng suy nghĩ thì một vài người dân trong xóm đi chặt mía về vồn vã hỏi thăm. Họ chẳng biết tôi là ai nhưng rất thân thiện, mời tôi vào nhà uống nước và còn chặt mía cho ăn như con, cháu trong nhà. Nhìn những gương mặt đen sạm hằn vết thời gian tôi càng trân trọng hơn những tình cảm và thành quả lao động của họ.
Ở đây, vì đi lại khó khăn, nên thay vì xây nhà bằng gạch người ta xây bằng đá để giảm chi phí vận chuyển vì đá có sẵn. Con đường đất chạy dọc trong xóm vương vãi đất, đá, vằn vệt những vết xe chạy chở vật liệu xây dựng, điều đó cho thấy dù nơi đây còn vô vàn khó khăn nhưng bà con rất chăm chỉ làm ăn, tự lực vươn lên thoát nghèo.
Đi một vòng quanh xóm lúc đang trưa, ai cũng mời tôi vào nhà ăn cơm cùng gia đình, phải từ chối mãi tôi mới “trốn” được những lời mời quá ư là thân tình.
Trời nắng như rót mật, dọc hai bên lối đi trong xóm hoa nở tím cả sườn đồi, khung cảnh chưa bao giờ mộng mơ đến thế. Lang thang trong xóm, trong đầu tôi tan biến đi hình ảnh về một con sông hung dữ mỗi khi mùa lũ về, hình ảnh về một xóm nghèo cách biệt với thế giới bên ngoài một năm mấy tháng vốn được mệnh danh là “ốc đảo” bỗng chốc tiêu tan.
Giờ, trước mắt tôi là hình ảnh về những người nông dân đang lùa trâu đi thả, những con trâu béo núng vừa đi vừa nhởn nhơ gặm cỏ bên sườn đồi sao mà bình yên đến lạ. Có lẽ vì sự cách trở mà ở xóm Cành cái gì cũng thiếu, đắt đỏ duy chỉ có sự bình yên và tình người là dạt dào.
Vẫn biết cuộc mưu sinh nào cũng nhọc nhằn, vất vả, nhưng giá như có một cây cầu nối đôi bờ thì với sự chăm chỉ, cần mẫn của người dân xóm Cành, khoảng cách về sự phát triển về mọi mặt trong đời sống của người dân ở nơi đây sẽ được rút ngắn so với các địa phương khác.
Tôi đặt biệt hy vọng lần sau khi trở lại xóm Cành, tôi sẽ không còn phải gửi xe ở nhà một người dân bên kia sông để đi bộ trên cây cầu tạm vào xóm.
Tuy chỉ là giải pháp tình thế nhưng cây cầu tạm được chắp nối sơ sài cũng giúp người dân vượt sông Bôi dễ dàng hơn trước
|
Trước đây, khi chưa có cây cầu tạm người ta phải sang sông bằng những chiếc ghe, thuyền
|
Và những bất trắc luôn có thể xảy ra
|
Nhưng những người dân nơi đây vẫn phải chấp nhận đánh đổi
|
Để an toàn tôi lựa trọn phương án đi bộ vào xóm Cành
|
Những con đường đất trong xóm
|
|
Những người dân xóm Cành đón tiếp chúng tôi như những đứa con đi xa lâu ngày trở về nhà
|
Những ngôi nhà được xây bằng đá ở trong xóm
|
Người dân lùa trâu thong thả
|
Hoa nở tím cả một sườn đồi, khung cảnh chưa bao giờ bình yên đến thế
|
Bài, ảnh: Ngọc Yến
Bình luận (0)