Kiểm soát kiểu "cá mè một lứa"
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NH NNVN) từ chối đưa ra các bình luận cũng như thông tin về các giải pháp thực sự có hiệu quả để kiềm chế tăng trưởng tín dụng ở mức 30% trong năm 2008.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, NH NNVN đang gặp bế tắc thực sự trong việc giải quyết vấn đề này. Lý do được đưa ra khá đơn giản, biện pháp mang tính thị trường nhất để làm giảm tốc độ gia tăng của tín dụng là phải tăng lãi suất để làm chùn bước các khoản đầu tư không thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi để lãi suất tăng quá mạnh vào đầu năm, việc đưa ra trần lãi suất huy động đã chặn đứng được đà tăng của lãi suất huy động trên thị trường nhưng lại là tác nhân giúp các ngân hàng tiếp tục mở rộng cho vay.
Trong số các biện pháp đang được giới ngân hàng râm ran bàn tán là biện pháp áp đặt trần tín dụng 30% cho tất cả các ngân hàng thương mại. Về mặt nguyên tắc, biện pháp này đảm bảo thực thi thành công mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng nhưng là một biện pháp hành chính 100%. Cũng do là biện pháp hành chính nên nó cũng có khả năng gây ra các hiệu ứng rất tiêu cực do kiểm soát không đúng chỗ. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn bình luận: "Năm 2007, có những ngân hàng cổ phần nhỏ đã sử dụng tới 250% so với số vốn huy động từ dân cư để tăng trưởng tín dụng (dùng vốn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay - PV). Về mặt bản chất, tín dụng của họ đã cực kỳ rủi ro và năm 2008 phải giảm tăng trưởng tín dụng chứ không thể tăng thêm 30% được. Bên cạnh đó, có những ngân hàng lớn, huy động từ dân cư được nhiều, có khả năng kiểm soát rủi ro tốt thì họ có khả năng tăng trưởng tín dụng vượt mức 30% mà vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả thì lại bị khống chế bởi tỷ lệ 30%. Các ngân hàng khác nhau về quy mô, khả năng kiểm soát rủi ro thì cũng tăng trưởng tín dụng khác nhau chứ không thể cá mè một lứa được".
Hệ số thanh khoản hay lãi suất?
Trong khi chưa tìm được một biện pháp thực sự có hiệu quả để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, một ngân hàng cổ phần đã có đề xuất với NH NNVN biện pháp: từng ngân hàng chỉ được phép tăng trưởng tín dụng tối đa là 85% so với lượng vốn các ngân hàng huy động được từ dân cư, tiết kiệm. Theo phân tích của vị Tổng giám đốc ngân hàng này, việc đưa ra mức trần cho vay tương ứng với lượng vốn huy động từ dân cư sẽ hạn chế được tăng trưởng tín dụng không an toàn, đồng thời cũng là một biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng mềm dẻo, hợp lý hơn so với biện pháp hành chính áp đặt trần tín dụng 30% đồng loạt. Một nguồn tin riêng của Thanh Niên còn cho biết, tại NH NNVN còn có dự kiến về việc tạm thời không cho sử dụng vốn liên ngân hàng để tăng trưởng tín dụng.
Theo tham khảo của Thanh Niên với một số chuyên gia ngân hàng khác, biện pháp hạn chế tăng tưởng tín dụng theo vốn huy động có ưu điểm hơn so với trần tín dụng 30% đồng loạt cho các ngân hàng nhưng điều này cũng là một biện pháp hành chính và cũng có những tác dụng phụ. Một chuyên gia hàng đầu trong giới ngân hàng phân tích: "Mỗi ngân hàng có một thế mạnh riêng: có ngân hàng mạnh về huy động, có ngân hàng mạnh về cho vay và thị trường liên ngân hàng là nhân tố điều hòa. Nếu như một ngân hàng vay liên ngân hàng được 6 tháng thì họ cũng có khả năng cho vay doanh nghiệp được 3-6 tháng chứ không lẽ lại bắt họ không được cho vay". Vị chuyên gia này đề xuất một cách thức kiểm soát tín dụng với xu hướng mềm dẻo hơn là việc không cho phép các ngân hàng để hệ số thanh khoản xuống dưới 1 (hệ số thanh khoản bằng tổng tài sản có có khả năng sử dụng trong 7 ngày chia cho tổng các khoản nợ đến hạn). Trường hợp ngân hàng nào để cho hệ số thanh khoản này thấp dưới 1 trong 1 tuần thì NH NNVN sẽ không cho mở thêm chi nhánh và không cho tăng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết: "Cách tiếp cận thị trường tốt nhất là để cho lãi suất sàng lọc ra các khoản tín dụng có chất lượng. Thêm vào đó, lãi suất cũng là công cụ rất hữu hiệu để kiểm soát lạm phát".
Hoàng Ly
Bình luận (0)