Thủ tướng Nga Vladimir Putin vừa lên tiếng ca ngợi những điệp viên đã giúp nước này đột phá về hạt nhân nhờ thu thập bí mật từ Mỹ.
Ngày 22.2, hãng tin ITAR-Tass dẫn lời Thủ tướng Putin ca ngợi các nhà khoa học, điệp viên nước này thời Chiến tranh lạnh đã thu thập bí mật hạt nhân của Mỹ. Nhờ đó, Liên Xô nhanh chóng chế tạo thành công bom nguyên tử để Mỹ không là cường quốc duy nhất có vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, ông Putin cũng tri ân những chuyên gia trên thế giới tham gia dự án chế tạo bom hạt nhân của Mỹ đã “có ý thức” hợp tác với Liên Xô.
Mặc dù Thủ tướng Nga khẳng định khoa học Xô Viết khi ấy đủ sức chế tạo bom nguyên tử nhưng thừa nhận “công việc sẽ kéo dài và chi phí sẽ cao hơn”. ITAR-Tass dẫn lời ông Putin nói thêm: “Như các bạn biết, khi Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân thì Liên Xô vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chúng ta đã có được nhiều thông tin quan trọng về bom nguyên tử qua kênh tình báo”. Lời ca ngợi của ông Putin khơi gợi lại chuyện điệp viên Nga, dưới vỏ bọc các nhà khoa học, xâm nhập thành công vào dự án Manhattan do Mỹ tiến hành để phát triển bom nguyên tử. Một trong số đó, tiến sĩ George Koval, luôn được nhắc đến như người có đóng góp lớn nhất.
|
Điệp viên huyền thoại
Ngày 2.11.2007, ông Putin, khi đó là Tổng thống Nga, khiến giới học giả phương Tây sửng sốt bằng thông báo truy tặng huân chương cao quý nhất của nước này cho tiến sĩ Koval, người xâm nhập thành công dự án Manhattan. Tờ The New York Times dẫn lời thông báo trên nói ông Koval đã “giúp tăng tốc đáng kể để Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử cho riêng mình”. Kể từ đó, các sử gia, nhà khoa học và quan chức cấp cao Nga dần dần vén màn bí mật về những đóng góp của điệp viên huyền thoại này, xem ông như một thiên tài. Trước thời điểm trên, tiến sĩ Koval đề nghị không công khai những việc ông đã làm.
|
Quay lại Mỹ, Delmar đăng ký nhập ngũ như bao thanh niên khác tại nước này, theo tờ The New York Times. Với tấm bằng kỹ thuật cơ khí ngày trước, ông được giữ lại làm việc trong các cơ sở nghiên cứu của quân đội. Một lần nữa, Koval lại thể hiện thành tích xuất sắc nên được tham gia một khóa đào tạo đặc biệt của quân đội tại Manhattan cho các chương trình nghiên cứu bí mật. Năm 1944, dự án chế tạo vũ khí hạt nhân nước này thiếu nhân lực trầm trọng nên Koval trở thành ứng viên sáng giá, nhất là khi ông có bề ngoài của “một người Mỹ hoàn hảo”. Tận dụng cơ hội này, ông Koval ra sức chứng tỏ năng lực nên được trọng dụng và trở thành chuyên gia hàng đầu trong dự án Manhattan. Nhờ đó, điệp viên này tha hồ tiếp cận khắp “hang cùng ngõ hẻm” ở các cơ sở hạt nhân quan trọng của Mỹ. Tiến sĩ Kramish, người từng làm chung với Koval tại cơ sở hạt nhân Oak Ridge ở Tennessee, cho biết: “Ông ấy có thể tiếp cận mọi thứ”. Tất nhiên, ông Koval không quên thu thập những thắt nút trong quy trình chế tạo bom hạt nhân để chuyển về Liên Xô.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, ông Koval xin rút khỏi quân ngũ để hồi hương vào năm 1948 cùng vô số bí mật hạt nhân của Mỹ mà chính quyền nước này chẳng chút nghi ngờ. Đến lúc Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử vào năm 1949, giới chức Mỹ mới “nhảy dựng” lên tìm hiểu nguyên nhân đối thủ đạt bước đột phá nhanh chóng như thế. Khi đó, FBI mới phát hiện ra thân phận thực sự của tiến sĩ Koval và bắt đầu thẩm vấn những người từng làm việc chung với ông. Tuy nhiên, mọi chuyện quá trễ khi Koval đã yên vị tại Nga.
Hoàng Đình - Hoàng Hoài Sơn
Bình luận (0)