“Bom nổ chậm” giữa các khu phố Hà Nội

05/06/2013 09:30 GMT+7

(TNO) Ghi nhận của Thanh Niên Online sau vụ cháy trạm xăng ở 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho thấy, nhiều điểm bán xăng dầu trong nội thành Hà Nội hiện nằm ở vị trí nhạy cảm gần khu dân cư, diện tích chật chội, nếu có hỏa hoạn sẽ rất khó khăn trong công tác chữa cháy.

Điểm mặt “bom nổ chậm” giữa phố

Mặc dù đã có các quy định rất rõ ràng về vị trí xây dựng các trạm xăng trong đô thị nhưng dễ thấy hầu hết các cây xăng ở Hà Nội đều đặt rất gần, thậm chí ngay sát các khu dân cư đông người.

Cụ thể, cây xăng nằm gần ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội không chỉ nằm liền kề với rất nhiều hộ dân xung quanh, mà còn nằm sát với cửa hàng gas số 25 của Công ty CP gas Petrolimex. Nếu có cháy xảy ra tại một trong hai điểm này, điểm còn lại sẽ bị bắt lửa.

 “Bom nổ chậm” giữa lòng khu dân cư
Cây xăng trên đường Trương Định nằm kề khu dân cư - Ảnh: Minh Hoàng

Cây xăng số 54 của Petrolimex trên đường Trương Định cũng có “tọa độ” vô cùng nguy hiểm. Phía sau nó là một khu tập thể cũ có rất đông cư dân đang sinh sống.

Cây xăng 71 Nguyễn Công Trứ nằm sát nhiều cửa hàng đồ điện, cơ khí. Nếu có cháy xảy ra, tính mạng của rất nhiều hộ dân sống trong khu nhà tập thể cùng khu chợ nhỏ phía sau cây xăng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Các cây xăng đều được trang bị các loại bình cứu hỏa lớn nhỏ. Nhưng phần lớn đều rất cũ, lớp sơn ngoài bạc màu, rỉ sét. Không ít bình chữa cháy kim áp suất đã ở mức không thể sử dụng được.

“Bom nổ chậm” giữa lòng khu dân cư
Cây xăng trên đường Nguyễn Công Trứ nằm kế bên xưởng cơ khí - Ảnh: Minh Hoàng 

Chuyện cây xăng nằm giữa phố hay kẹp giữa khu dân cư không hiếm ở Hà Nội. Cửa hàng xăng dầu của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội nằm ở địa chỉ 2D Khâm Thiên là ví dụ điển hình. Cửa hàng xăng dầu này có hai trụ bơm xăng, chủ yếu phục phục vụ xe máy; nó nằm lọt thỏm giữa khu tập thể trên phố Khâm Thiên. Phía trước trụ bơm xăng là dãy nhà cao tầng - nơi làm việc của cán bộ, công nhân viên của xí nghiệp. Giật mình hơn nữa, cây xăng này nằm cách trạm biến áp hơn 10 m, nếu xảy ra hỏa hoạn, hai khu vực nhạy cảm này dễ cộng hưởng lẫn nhau.

Nằm sát trục giao thông đông đúc, đường dẫn xe ra vào chật hẹp là những điều dễ thấy nhất ở cây xăng tại địa chỉ 179 đường Đê La Thành. Theo những người dân sống trong khu vực này, cây xăng này đã tồn tại ở vị trí này ngót chục năm nay. Khi còn bán xăng cho ô tô, cây xăng này là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên khu vực này. Hiện giờ, cây xăng chỉ nhận bơm cho xe máy. Ngoài tác động tiêu cực đến giao thông, xét về vị trí, cây xăng này cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ở phía đối diện với cây xăng này là xưởng cơ khí thường xuyên phát ra tia lửa khi gia công các sản phẩm.

Nguy cơ cháy, nổ từ người mua xăng

Trên thực tế, các cửa hàng xăng dầu đều có sẵn phương án trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Nhưng còn một nguyên nhân khác khiến những người bơm xăng nơm nớp lo sợ là sự thiếu ý thức và vô ý của người mua xăng.

Ở các cây xăng dễ thấy các biển cấm hút thuốc lá, sử dụng điện thoại di động và để xe nổ máy trong quá trình tiếp xăng, dầu. Theo quy định về an toàn cháy nổ, những hiện tượng này là nguy cơ gián tiếp có thể dẫn tới cháy và nổ xăng. Quan sát thực tế ở một số xây xăng, gần như cả người bơm xăng và khách mua hàng đều phớt lờ các điều cấm kị này.

 “Bom nổ chậm” giữa lòng khu dân cư
Cây xăng ở địa chỉ 2D phố Khâm Thiêm chỉ cách trạm biến áp khoảng 10 m
- Ảnh: Hoàng Phan

Một nhân viên tên Hoạch ở cửa hàng xăng dầu trên phố Định Công cho hay, vi phạm nổ máy xe khi bơm xăng nhiều nhất là các loại ô tô, rồi đến sử dụng điện thoại di động. Trong đó, lỗi để xe máy nổ khiến người bơm xăng lo lắng nhất, bởi nhiệt độ máy cao, gặp thời tiết nắng nóng, hơi xăng rất dễ bén lửa.

Vụ cháy dữ dội ở cây xăng 2B Trần Hưng Đạo đã thiêu rụi đồ đạc của quán cơm bên cạnh khiến nhiều hộ dân đang sống gần khu vực cây xăng giật mình. Có nhà nằm trong khu tập thể sát cây xăng 54 đường Trương Định, chị Hồng Thủy lo lắng: Nếu cây xăng này bén lửa, các hộ dân ở đây không biết chạy đi đâu.

Có nhà cách cây xăng trên phố Định Công một làn đường, ông  Lưu Văn Doãn cho hay, nhìn bên ngoài, những người làm việc ở đây rất chú ý đề phòng hỏa hoạn. “Chẳng may có cháy thì những nhà liền kề sẽ bị ngọn lửa “liếm” qua ngay. Có lo cũng chẳng giải quyết gì, chỉ mong là nó đừng phát hỏa thôi”, ông Lưu nói.

Quy định về trạm xăng trong đô thị:

Trạm xăng trong đô thị phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông:
+ Phải cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 7 m (tính từ mép ngoài hình chiếu bằng của công trình trạm xăng);
+ Đối với các trạm xăng nằm gần các giao lộ (tính đến giao lộ với đường khu vực trở lên), khoảng cách từ lối vào trạm xăng tới chỉ giới đường đỏ gần nhất của tuyến đường giao cắt với tuyến đường đi qua mặt tiền của công trình trạm xăng cần đảm bảo ít nhất là 50 m;
+ Cách ngoài phạm vi bảo vệ dọc cầu và đường dẫn lên cầu tối thiểu 50 m;
+ Cách điểm có tầm nhìn bị cản trở ít nhất 50 m (ví dụ: cách điểm tiếp tuyến của đường cong của đường giao thông có bán kính cong <50 m ít nhất 50 m dọc theo đường).
- Bảo đảm an toàn về phòng chống cháy, bảo vệ cảnh quan:
+ Phải cách nơi tụ họp đông người (như trường học, chợ) ít nhất 100 m;
+ Cách các trạm xăng khác ít nhất 300 m;
+ Cách các danh lam thắng cảnh ít nhất 100 m

Minh Hoàng - Hoàng Phan

>> Cháy trạm xăng dữ dội ở Hà Nội
>> Xe bồn chở xăng phát nổ, bốc cháy dữ dội ngay trung tâm Hà Nội
>> Xe hydrogen đua với xe chạy xăng
>> Vì sao người dân không chuộng xe gắn máy chạy xăng/gas?
>> Vụ cháy kinh hoàng ở cây xăng: Lời kể của những người chạy ra từ tường lửa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.