TNO

Bom thời thế chiến II vương vãi khắp nước Đức

05/05/2015 16:29 GMT+7

(Tin Nóng) Mỹ, Pháp, Anh và các đồng minh sắp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít Đức, kết thúc Thế chiến II tại châu Âu. Nhưng ở nước Đức, bom đạn chưa nổ còn rất nhiều.

(Tin Nóng) Mỹ, Pháp, Anh và các đồng minh sắp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít Đức, kết thúc Thế chiến II tại châu Âu. Nhưng ở nước Đức, bom đạn chưa nổ còn rất nhiều.

Bom thời thế chiến II vương vãi khắp nước Đức - ảnh 1
Chuyên gia Đức tìm cách vô hiệu hóa một quả bom thời thế chiến II phát hiện trên sông Rhine ở Koblenz ngày 3.12.2011 - Ảnh: AFP

Theo Reuters, sau khi chiến tranh thế giới lần II kết thúc vào ngày 8.5.1945 tại chiến trường châu Âu, nguy cơ về những quả bom chưa nổ còn vùi trong đất từ thời kinh hoàng ấy vẫn ám ảnh nước Đức trong 70 năm qua, có thể phát nổ mà không  báo trước hoặc bỗng lộ diện mỗi khi băng tan.

Hơn 2.000 tấn bom và đạn dược chưa nổ được tìm thấy mỗi năm ở Đức, thậm chí cả bên dưới các tòa nhà. Chúng được tháo ngòi hoặc cho nổ trong tầm kiểm soát sau khi đã sơ tán, nhưng đôi khi dẫn đến tử vong.

Detlef Jaab, một chuyên gia đạn dược của cảnh sát Berlin, người đã tháo ngòi nổ cho hàng ngàn quả bom trong hơn 23 năm cho biết: “Bom càng cũ sẽ càng trở nên nguy hiểm. Đó là một công việc nguy hiểm, nhưng có nhiều cách thức chọn lựa để đưa ra quyết định, một quả bom có thể được tháo ngòi hoặc buộc phải cho nổ ngay tại nơi tìm thấy do đã quá hư hỏng”.

Những âm thanh và mùi vị của Thế chiến II mà người Đức ghi nhớ trong tháng 5, lại trở về khu vực nổ mìn của cảnh sát trong rừng Grunewald ở Berlin 8 lần mỗi năm khi đội của Jaab cho nổ kho đạn. Một chuyên gia sẽ kích hoạt ngòi nổ một quả bom vừa được phát hiện. Còi báo động vang lên, đất trong khu vực cô lập bắn tung tóe trong các vụ nổ liên tiếp, mặt đất rung chuyển, các mảnh bom nóng đỏ đôi khi bay ngang khu rừng, khói loang loáng khắp khu vực….

Theo ông Jaab: “Vẫn còn khoảng 2.500 quả bom và nhiều đạn pháo bị chôn vùi tại Berlin. Kể từ năm 1948, chúng tôi đã tìm thấy 1.395 quả”. Năm qua, đã tìm thấy khoảng 56 tấn bom đạn chưa nổ  ở Berlin, mục tiêu chính của các quả bom Anh-Mỹ và còn tiếp tục bị đạn pháo, lựu đạn Liên Xô tàn phá trong trận đánh đỉnh điểm vào Berlin 70 năm trước. Đất nước này đã bị phủ đầu bởi 1,5 triệu tấn bom từ máy bay chiến đấu của Anh và Mỹ, giết chết 600.000 người. Quan chức Đức ước tính khoảng 15% quả bom đã không nổ, một số bị vùi sâu dưới 6m đất.

“Cực kỳ nguy hiểm”

Nhiều quả bom được các nhà quy hoạch thành phố tìm thấy khi nghiên cứu bản đồ thời chiến tranh, do công nhân xây dựng, hoặc những người đào bới trong các khu vườn. Nông dân đôi khi tìm được quả bom to như đá tảng, nặng đến gần 2 tấn, lộ ra khi băng tan.

Ông Wilfried Mueller, người giám sát việc loại bỏ đạn dược và các khí tài quân sự của liên bang cho rằng: “Những hiểm nguy đang ẩn mình sẽ càng tăng cao theo thời gian. Trong khi vài quả bom có thể được tìm thấy qua nghiên cứu các bức chụp không ảnh và tìm kiếm dấu hiệu, còn việc nạo vét kênh, sông, hồ, bờ biển hoặc tuyến đường thủy rất khó khăn. Bom chưa nổ ở khắp nơi”.

Không quân Đức đã bắt đầu ném bom các mục tiêu dân dụng vào đầu cuộc chiến trước khi quân đồng minh đáp trả bẳng những cuộc tấn công từ trên không, tàn phá nhiều thị trấn và thành phố Đức.

Vào năm 2010, ba chuyên gia thuốc nổ tại Goettingen đã thiệt mạng trong khi chuẩn bị tháo ngòi một quả bom 450 kg; và năm ngoái một công nhân xây dựng ở Euskirchen bị chết khi máy xúc của ông đụng phải quả bom 1.800 kg trong lòng đất. Năm 1994, ba công nhân xây dựng tại Berlin cũng thiệt mạng trong tai nạn tương tự. Năm 2012 một quả cầu lửa bùng lên bầu trời Munich, gây thiệt hại hàng triệu Euro cho 17 tòa nhà, khi chính quyền cho nổ một quả bom trên 200 kg. Tháng 4 năm nay một quả bom 450 kg đã khoét một lỗ sâu 3 m trên xa lộ gần Offenbach.

Hầu như không tuần lễ nào trôi qua mà không phát hiện một quả bom và thường buộc phải sơ tán hàng ngàn người ra khỏi nhà hoặc văn phòng. Người Đức thường không tỏ ra nao núng trước những bất ổn và họ chấp nhận nó như một thực tế cuộc sống hàng ngày.

Bà Jessica Gienow-Hecht, một sử gia và học giả về chiến tranh tại đại học Free University, Berlin cho rằng: “Người Đức vốn mang nỗi ám ảnh về sự an toàn, nên với những quả bom thời thế chiến II được tìm thấy khắp nơi, chúng tôi chỉ biết chấp nhận. Nó chạm vào tinh thần trách nhiệm và mặc cảm tội lỗi về chiến tranh”. Bà cho biết mình từng lớn lên và chơi đùa bên miệng hố bom. “Đó là một phần những gì chúng tôi đã làm và không thể hồi lại”.

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Phát xít Đức thí mạng dân thường để thử bom bay V-2
>> Tòa miễn cho thị trưởng khỏi bắt tay tân phát xít
>> Hậu đậu như phát xít mới
>> Phát hiện xưởng vũ khí hạt nhân dưới lòng đất của phát xít Đức ?
>> Nga duyệt binh rầm rộ mừng Ngày Chiến thắng phát xít Đức
>> Trùm phát xít Đức thích ăn đồ ngọt, ưa ngủ ngày
>> Nga và châu Âu kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức
>> Phát xít Đức từng dự định thâu tóm Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.