Bóng chuyền Việt Nam đang tự làm yếu mình

16/05/2019 00:00 GMT+7

Người hâm mộ bóng chuyền Việt Nam đã tỏ ra tiếc nuối khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) từ chối không cử đội tuyển nữ quốc gia tham dự giải vô địch bóng chuyền châu Á diễn ra tại Hàn Quốc sắp tới.

Bỏ giải và những hệ lụy trong tương lai

Theo kết quả bốc thăm của giải châu Á, đội nữ Việt Nam sẽ chung bảng với Trung Quốc, Indonesia và Sri Lanka. Đây là bảng đấu không quá “nặng” để đội nữ Việt Nam lọt vào tốp 8 của châu lục. Bởi ngoài đội Trung Quốc mạnh hơn, các cô gái chân dài Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua Indonesia và Sri Lanka để giành chiếc vé thứ hai của bảng đấu này.
Với việc rút lui khỏi giải đấu được tổ chức theo chu kỳ 2 năm một lần này, bóng chuyền Việt Nam sẽ rơi vào tình thế rất bất lợi cho những năm tiếp theo. Theo đó, vào mùa giải 2020, bóng chuyền Việt Nam sẽ không được tham gia Cúp châu Á dành cho 8 đội mạnh nhất. Nhưng quan trọng hơn, những giải đấu cấp châu lục sau đó đội tuyển nữ VN sẽ luôn rơi vào những bảng đấu khó khăn hơn rất nhiều vì đã mất ưu tiên hạt giống.
Bên cạnh đó, giải vô địch bóng chuyền châu Á cũng chính là giải đấu của vòng loại đầu tiên để tranh vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Sự vắng mặt này sẽ khiến Việt Nam tự loại mình khỏi những “cuộc chơi” chất lượng mà các quốc gia khác đều mong muốn được góp mặt. Đây còn là cơ hội tốt để các tuyển thủ Việt Nam có thể tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị tốt cho SEA Games năm nay với mục tiêu giành lại chiếc huy chương bạc từ tay đội tuyển Indonesia.
Bóng chuyền nữ Việt nam cần được trui rèn ở đỉnh cao VFV

Tự kéo lùi trình độ

Trong khu vực Đông Nam Á, bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ đứng sau đội mạnh đẳng cấp châu Á là Thái Lan nên khi bước ra sân chơi châu lục, cũng có những thời điểm thành tích của các cô gái chân dài VN như Ngọc Hoa, Linh Chi, Bùi Thị Ngà, Ngọc Diễm, Âu Hồng Nhung, Thanh Thúy... rất ổn định và đã có những khoảnh khắc thi đấu rất hay trước những đội mạnh. Như chiến thắng 3-1 trước Nhật Bản ở trận tranh hạng 5 năm 2015 hay thua trong thế ngẩng cao đầu trước đội hạng 10 thế giới Hàn Quốc năm 2017 hoặc mới nhất dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, bóng chuyền nữ VN đã lội ngược dòng thắng 3-2 trước Kazakhstan vào tứ kết ASIAD và xếp hạng 6 chung cuộc. Trong 3 giải vô địch châu Á gần nhất, năm 2013 Việt Nam hạng 6 còn năm 2015 và 2017 đều giành hạng 5.
Chính sự cọ xát trong môi trường mạnh về chuyên môn đã giúp bóng chuyền nữ Việt Nam học hỏi rất nhiều, không chỉ tích lũy tốt kinh nghiệm trận mạc mà còn nâng dần tâm lý thi đấu vốn là điểm yếu hay mắc phải ở những giải đấu đỉnh cao.
Các cô gái Việt Nam dủ sức vào vòng 2 ở giải châu Á năm 2019 VFV
Thế nhưng trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch VFV, cho biết: “Tuyển U.23 Việt Nam sẽ thi đấu giải U.23 châu Á trong tháng 7 ở Hà Nội. Lực lượng này cũng là nòng cốt cho tuyển Việt Nam chuẩn bị cho giải châu Á và VTV Cúp trong tháng 8. Với mật độ dày 3 giải liên tiếp bộ phận chuyên môn của VFV cũng đã phân tích và cho rằng sẽ khó đảm bảo hồi phục thể lực VĐV, nên đề nghị chỉ chọn 1 giải trong tháng 8 tham gia. Vì ngày khai mạc 17.8 của giải châu Á quá sát ngày kết thúc giải VTV Cup (10.8) nên VFV ưu tiên cho giải tại chỗ, không dự giải châu Á. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí đi thi đấu nước ngoài cũng là một trở lực lớn của hoạt động bóng chuyền đỉnh cao”.
Chủ tịch LĐ bóng chuyền VN Lê Văn Thành (phải) VFV
Việc VFV không cử đội tham dự giải châu Á với lý do cận ngày thi đấu giải giao hữu quốc tế VTV Cup, thể lực VĐV không đảm bảo và đi tốn kém kinh phí khiến ai cũng hụt hẫng. Một giải đấu chính thức bị phủ nhận để dồn sức cho một giải giao hữu và đưa ra lý do khó khăn tài chính, phải chăng bóng chuyền VN tự kéo lùi trình độ và đang tự làm yếu mình?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.