Báo Thanh Niên ra đời năm 1986, khi đất nước chuyển mình bước vào thời kỳ đổi mới. Lúc ấy sách báo chưa nhiều như bây giờ, nên cần hiểu rằng đã thêm một tín hiệu đổi mới.
Thời gian đầu báo có tên là Tuần Tin Thanh Niên với cái măng-sét rất thanh mảnh và khiêm tốn - có thể nghĩ là nếu không vượt qua được những thử nghiệm, thử thách…, tín hiệu đổi mới sẽ tắt, báo sẽ chết.
Ít lâu sau, một hôm tôi thấy họa sĩ Hoàng Ngọc Biên loay hoay kẻ cái măng-sét mới. Hai từ Thanh Niên được kẻ thành một khối chữ in hoa, nét ngang, nét sổ đều rất đậm, rất thẳng, tạo dáng đứng khỏe mạnh, tự tin; nói chung là “có khí thế”. Tôi hỏi họa sĩ tại sao những chữa A, chữ N không kẻ thẳng luôn mà uốn cong thành vòm. Hoàng Ngọc Biên trả lời nửa đùa, nửa thật: “Không phải mái vòm mà là những cái vai. Thanh Niên thì phải kề vai sát cánh mà gánh vác chứ !”.
Hoàng Ngọc Biên vốn được xem là một dạng “quái kiệt” ở Sài Gòn từ trước 1975: râu tóc xồm xoàm như kháng chiến quân của Che Guevara; khoái vẽ tranh, làm thơ, viết văn, sáng tác âm nhạc, chỉ để… chơi thôi. Duy chỉ có một chuyện anh làm hết sức nghiêm túc: đó là kỹ thuật và mỹ thuật, trong nghề in sách báo. Anh đã học nghề này ở Nhật và Singapore.
Nhà thơ kiêm họa sĩ Đỗ Trung Quân đã từng có thời gian chung sống và học nghề này với anh. Trong tâm thức, Đỗ vẫn coi Hoàng Ngọc Biên như người thầy và có lần viết về ông thầy ấy như sau: “Ông hoàn toàn không phải là một người dễ dãi - Hãy kẻ những đường thẳng thật thẳng của êke trên trang giấy, bức vẽ. Đấy cũng là ẩn ngôn của bài học mà nhiều năm sau tôi mới hình dung trong ứng xử cuộc đời. Những lúc muốn “cong” vì mỏi mệt, vì cám dỗ, những đường êke của ông lại hiện ra trong tâm tưởng”…
Và dù rằng Biên là người hay đùa cợt với nhiều thứ chuyện, nhưng tôi tin rằng anh không hề xem việc đổi mới cái măng-sét này là chuyện nhỏ. Ông Tổng biên tập Nguyễn Công Khế “sưu tầm” được Hoàng Ngọc Biên và tín nhiệm anh trong việc này quả là người có mắt xanh trên đời. Việc đổi mới cái măng-sét còn cho thấy báo Thanh Niên đã vượt qua được chặng đường thử thách đầu tiên.
Hồi còn kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Đoàn cũng có tờ tin Thanh Niên, tiếng nói của Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng. Tòa soạn ở trong rừng với nhiều cây bút chuyên nghiệp từ báo Tiền Phong ở Hà Nội “xẻ dọc Trường Sơn” vào chi viện; ngoài ra còn có những cây bút “cộm cán” thoát ly từ phong trào tranh đấu của sinh viên Sài Gòn như Hồ Hữu Nhựt, Nguyễn Đăng Trừng, Lê Hiếu Đằng, Trần Quang Long… Làm báo trong cảnh mưa bom bão đạn, càn quét liên miên, trên trang báo hẳn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, nhiều khi có cả máu của đồng đội.
Nếu như Tuần Tin Thanh Niên là tiền thân đã lột xác thì tờ Tiếng nói của Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng trên R là kiếp trước đầu thai thành tờ báo hôm nay. Đừng tưởng rằng kiếp này dễ dàng hơn kiếp trước. Những người đã nếm trải thường nhận ra rằng, sống giữa rừng người thành phố có khi cũng hung hiểm không thua gì sống giữa cây hoang rừng già, đạn bom và ác thú.
Hồi ấy, làm báo trên rừng là có thể chết vì bom đạn của kẻ thù nhưng sẽ được tôn vinh là liệt sĩ. Bây giờ, nhà báo ít nguy cơ chết vì hung khí mà rất dễ “thân bại danh liệt” vì những viên đạn bọc đường từ bốn phương tám hướng. Mặt khác, đất nước trong quá trình đổi mới và mở cửa không tránh khỏi ruồi nhặng và gió độc bay vào và đậu lại. Báo Thanh Niên tuy sinh sau đẻ muộn nhưng lại may mắn ít để xảy ra tai nạn nghề nghiệp nghiêm trọng, bộ máy lãnh đạo tương đối ổn định, cho phép Ban Biên tập yên tâm xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài.
Năm 1996, Báo Thanh Niên kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10. Lần ấy được mời dự lễ theo diện cộng tác viên, tôi đã rất hân hạnh ghi vào cuốn sổ lưu niệm vài lời chúc mừng như sau: “Sức ta là sức Thanh Niên. Thế ta là thế tiến lên báo ngày”. Lúc ấy báo Tuổi Trẻ đã bước qua năm thứ 20 mà vẫn còn phải chịu cảnh làm báo “cách nhật”. Hai tiếng“cách nhật” không phải là thuật ngữ báo chí mà là danh từ y học dùng để chỉ một loại bệnh sốt rét khó trị. Thời buổi bùng nổ thông tin toàn cầu mà làm báo cách nhận thì khó trở thành báo chuyên nghiệp. Tiến lên báo ngày là xu thế tất yếu và cũng là ước mơ của những tờ báo cách nhật. Trong xu thế đó, báo Thanh Niên đi sau mà về trước so với nhiều đồng nghiệp khác. Có thể nói, ở tuổi thứ 10, Thanh Niên đã là một tờ báo trưởng thành.
Sự trưởng thành về nghiệp vụ nay đã được khẳng định qua hệ thống phát hành trong và ngoài nước, qua loại hình báo điện tử bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Một trong những thế mạnh của báo Thanh Niên là việc sớm xác lập được những mối quan hệ sâu rộng với đối tượng bạn đọc là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngược lại, Thanh Niên cũng là một trong số vài tờ báo trong nước được bạn đọc ở nước ngoài hoan nghênh nhất.
Nhưng quan trọng hơn là sự trưởng thành về bản lĩnh chính trị trên mặt trận chống tiêu cực, nhất là qua chuyên án Năm Cam. Tôi tâm đắc nhất là thái độ không khoan nhượng của Ban Biên tập Thanh Niên trong việc đấu tranh vạch trần những tiêu cực của Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Trần Mai Hạnh lúc bấy giờ. Dân làm báo mà “nội lực” không thâm hậu, đấu với ông trùm này thì không chết cũng bị thương. Thế nhưng Thanh Niên đã thắng. Đấy là chiến thắng từ sức mạnh của công luận, mà một tờ báo chỉ có thể tìm kiếm nơi sự ủng hộ của bạn đọc chứ không thể trông cậy vào cơ chế “xin - cho” của thời bao cấp.
Ngoài ra, Thanh Niên còn có những họat động tự nguyện, không liên quan đến nghiệp vụ báo chí nhưng hiệu quả kinh tế - văn hóa - xã hội rất lớn: quỹ Học bổng Nguyễn Thái Bình, chương trình Duyên dáng Việt Nam, giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên… Đặc biệt, chuyến xuất ngoại sang Úc của Duyên dáng Việt Nam vừa qua là một cuộc đột phá ngoạn mục mang ý nghĩa “phá băng” trong mối quan hệ văn hóa chính trị giữa đồng bào trong nước và Việt kiều hải ngọai.
Một tờ báo tư nhân cũng có thể ăn nên làm ra, phát triển thành những tập đoàn siêu lợi nhuận, nhưng lợi nhuận ấy chảy vào túi riêng của các ông chủ, chứ xưa nay ở nước ta có đã có tờ báo tư nhân nào làm được những việc lợi ích đáng kể hơn cho cộng đồng ? Đây cũng là điều tôi vô cùng tâm đắc khi nhìn lại chặng đường phát triển của những tờ báo thân thiết mà tôi thường cộng tác. Có lẽ đây chính là một trong những ưu điểm rõ ràng nhất của cơ chế báo chí “quốc doanh”.
Vào năm thứ 13 của báo Thanh Niên, ông Tổng biên tập Nguyễn Công Khế có in một tuyển tập những bài viết của mình đã đăng trên Thanh Niên, nhan đề Lời cám ơn ngọn lửa (NXB Trẻ, 1999). Cho đến nay sức nóng và sức trẻ của những ngọn lửa ấy vẫn bùng cháy và tỏa sáng trên những trang báo hàng ngày. Từ góc độ của một bạn đọc, tôi muốn có đôi lời gọi là để chúc mừng tuổi hai mươi của một tờ báo, không chỉ trưởng thành mà đã thành đạt.
Cũng không tìm được lời gì hay hơn là XIN CÁM ƠN NGỌN LỬA !
Hoàng Phủ Ngọc Phan
Bình luận (0)