Những khuất tất trong mua sắm thiết bị kiểm định xe

11/12/2007 23:40 GMT+7

Từ thông tin của bạn đọc cung cấp, Thanh Niên đã tìm hiểu và phát hiện dấu hiệu khuất tất tồn tại lâu nay ở lĩnh vực đăng kiểm.

Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm than vãn: "Chúng tôi đang mắc kẹt, một bên là địa phương, một bên là cơ quan quản lý chuyên ngành". Theo chủ trương đã được phê duyệt, trung tâm đăng kiểm này được đầu tư tiền để lắp đặt thiết bị kiểm định nhưng khi triển khai mua sắm thiết bị thì cơ quan quản lý chuyên ngành muốn "hướng" trung tâm mua thiết bị của một hãng, nhưng cơ quan chức năng ở địa phương lại không chấp nhận. 

Nguồn cơn của việc "mắc kẹt" trên như sau: 

Để thống nhất về tiêu chuẩn của các trung tâm đăng kiểm trên cả nước, ngày 12.10.2005 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định số 50/2005 về tiêu chuẩn trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, trong đó có một loạt các thông số bắt buộc áp dụng về thiết bị kiểm định, dụng cụ kiểm tra, diện tích mặt bằng... Cụ thể hóa quyết định của Bộ GTVT, ngày 26.12.2005, Cục Đăng kiểm Việt Nam ra thông báo loại kiểm định được sử dụng trong các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gồm: thiết bị kiểm định do hãng MAHA (Đức) và do hãng DAMBRA - BEISSBARTH (Đức) cung cấp. 

Cần nói rõ rằng, trước Quyết định 50/2005, năm 1995 Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt kết quả chọn thầu cung ứng thiết bị kiểm định kỹ thuật đường bộ, hãng được chọn là DAMBRA - BEISSBARTH. Quyết định của Bộ nêu rõ: "Bộ giao nhiệm vụ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đồng thời yêu cầu và hướng dẫn các sở GTVT, GTCC lập kế hoạch cụ thể để thống nhất với hãng DAMBRA - BEISSBARTH trong việc ký kết hợp đồng cụ thể"... Từ đó đến nay, DAMBRA - BEISSBARTH đã cung cấp khoảng 100 bộ thiết bị cho các trung tâm. Còn thiết bị của hãng MAHA được Cục Đăng kiểm ra quyết định phê duyệt sử dụng năm 2005. 

Đùng một cái, sau một năm (25.9.2006), Cục Đăng kiểm ra một văn bản đi ngược lại nội dung của Quyết định 50/2005 của Bộ GTVT và mâu thuẫn ngay cả với thông báo trước đó của mình, với nội dung áp đặt: "Yêu cầu các đơn vị đăng kiểm mới thành lập theo đề án xã hội hóa, các đơn vị đăng kiểm lắp đặt thêm dây chuyền kiểm định mới chỉ sử dụng kiểu loại thiết bị kiểm định do hãng MAHA cung cấp". Điều đáng nói là cả hai văn bản, văn bản sau "đá" văn bản trước, đều do Cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Văn Ban ký, đóng dấu. Được biết, năm 2004 Cục Đăng kiểm có tổ chức đấu thấu mua sắm 4 bộ thiết bị lắp đặt cho bốn trung tâm, các lần mua sắm sau này Cục không tổ chức đấu thầu lại mà lấy luôn kết quả của lần trước để buộc các trung tâm lựa chọn thiết bị của hãng MAHA. Sau khi có văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm yêu cầu chỉ sử dụng kiểu loại thiết bị kiểm định do hãng MAHA cung cấp, nhiều doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra đầu tư lắp đặt theo chủ trương xã hội hóa công tác kiểm định xe cơ giới vẫn lựa chọn hãng DAMBRA - BEISSBARTH nhưng bị Cục Đăng kiểm gây khó dễ. Trong văn bản gửi lại các doanh nghiệp, Cục Đăng kiểm luôn "nhất quán", ghi rõ: "Yêu cầu lắp đặt dây chuyền thiết bị kiểm định của hãng MAHA", với lý do là để "hạn chế tác động chủ quan của con người vào thiết bị".  

Chúng tôi đã liên lạc với ông Cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Văn Ban. Ông Ban nhận lời tiếp phóng viên vào sáng 11.12. Tuy nhiên, sáng 11.12 chúng tôi đến Cục Đăng kiểm thì cán bộ dưới quyền của ông cho biết, ông đi họp ở Bộ. Liên lạc qua điện thoại cầm tay, ông Ban nói đã giao cho ông Giao, Cục phó tiếp. Ông Giao chỉ cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc, hẹn dịp khác sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.

Đến đây, mọi người sẽ đặt câu hỏi, có gì khuất tất khi trước đây, Hội đồng chấm thầu và Bộ GTVT đã quyết định lựa chọn hãng DAMBRA - BEISSBARTH? Nếu đúng như lý do mà Cục Đăng kiểm đưa ra để yêu cầu các trung tâm đăng kiểm chỉ sử dụng thiết bị do hãng MAHA cung cấp thì khoảng 100 bộ thiết bị đã lắp đặt ở các trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, con người có thể can thiệp để thay đổi kết quả, xe không đạt an toàn vẫn được lưu hành. Nếu đúng như vậy thì tại sao Cục Đăng kiểm không lên tiếng ngay từ đầu, mà phải để sau cả chục năm, khi có gần trăm trung tâm đăng kiểm đã lắp đặt thiết bị rồi mới ngăn chặn? 

Bài báo này không tập trung vào việc vì sao Cục Đăng kiểm lại "bỏ" hãng A, chọn hãng B mà mấu chốt ở đây là cách làm, chủ trương của Cục trưởng Cục Đăng kiểm. Trên thế giới không chỉ có hai hãng DAMBRA - BEISSBARTH và MAHA cung cấp thiết bị kiểm định, mà còn vô số các hãng khác. Theo quy định của Nhà nước, những dự án đầu tư, mua sắm có giá trị 1 tỉ đồng trở lên đều phải tổ chức đấu thầu. Đúng quy định, Cục Đăng kiểm không được phép "chốt" danh sách ở hai hãng như trước đây mà phải "mở cửa" với tất cả các hãng khác, cho tất cả các hãng tham gia đấu thầu để lựa chọn hãng nào đáp ứng được yêu cầu của mình. Đằng này, Cục Đăng kiểm đã làm một việc ngược lại, dùng quyền lực của mình để ép các đơn vị phải mua hàng theo địa chỉ có sẵn. Phải chăng đã có một sự không minh bạch nào đó? 

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.