Còn nhớ cái thời dạy học ở vùng cao Phan Sơn, một xã có tới 100% đồng bào là người dân tộc K'ho và Răglay, tôi và một số đồng nghiệp khác đã từng phải đi làm "lâm tặc". Sáng sớm vượt đèo Sao Mai lên tận những đồi dầu thông trên núi giáp với huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để gùi dầu thông về kiếm tiền. Đi từ sáng đến chiều mới đem về được một thùng dầu, bán được 15.000 đồng. Nhưng cũng phải chờ đến chủ nhật mới có cơ hội kiếm tiền. Có khi mấy anh em góp lại chỉ đủ làm một bữa cải thiện là hết sạch. Hôm sau lại xin rau bí rau bầu của bà con địa phương. May mà bà con rất thương và đùm bọc thầy giáo.
Thế rồi về đến đồng bằng, tưởng chừng khá hơn thì lại phải ở trong một "nhà tập thể" mà đêm mưa phải lấy thau hứng trên giàn mùng cho đỡ dột. Đêm khuya đang ngủ ngon, thau nước nặng quá đổ xuống giường ướt sạch. Thức dậy, thay quần áo ngồi... làm thơ đến sáng! Nhưng những ngày đó đến nay vẫn không thể nào phai mờ bởi những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời mà ai cũng như ai, khổ !
Bây giờ, cái thời của mười mấy, hai mươi năm về sau, lương của chúng tôi đã hàng triệu đồng một tháng. Ít ai phải đạp xe đi dạy, cũng không còn cái cảnh tranh thủ khi đi dạy về kèm thêm bó rau lang sau xe. Nhiều người dạy thêm ở các trung tâm (chứ không phải bắt ép học trò ở lớp) cũng kiếm kha khá, có khi còn giàu lên đằng khác. Tuy nhiên, thời nào cũng có cái khó khăn của nó. Khi thực hiện chế độ lương mới, ngạch bậc có khác hơn nhiều. Từ hệ số 2,7 lương bổng lên 3,26, thấy sướng thật. Song, tổng thu nhập thì vẫn không hề tăng! Đã vậy, chế độ phụ cấp lại giảm đi mất 5%. Bây giờ về tất cả các trường học của Bình Thuận nơi tôi dạy, hỏi mà thấy không có ai nợ ngân hàng thì chắc đó sẽ là "chuyện lạ Việt Nam" chưa hề công bố. Có người còn vay hai, ba ngân hàng, thậm chí còn mượn tên người khác để vay xây cất nhà cửa, mua sắm phương tiện, có khi còn làm những chuyện chẳng đâu vào đâu. Đến tháng lĩnh lương, tiếng là bạc triệu nhưng chỉ là ký vào sổ để nhận mấy đồng lẻ ra về. Mặt buồn hiu. Đó là chưa kể có người lâu lâu còn "cúp cua" ngân hàng không trả, bị giấy báo của ngân hàng đòi, xớn xác đi vay mượn để trả. Cũng chỉ vì thấy vay ngân hàng "ngon ăn" quá nên có người giờ này nợ dăm bảy chục triệu của ngân hàng, dạy học đến lúc về hưu trả cũng chưa hết. Trong khi đó, nhà giáo cũng phải trang trải chi phí điện, nước, xăng dầu, gạo mắm, hiếu hỉ thậm chí cả... tình phí. Tất tần tật đều từ đồng lương mà ra chứ làm gì có "phần cứng phần mềm" đâu!
Nói chuyện này trong dịp Tết gần đến, âu cũng chỉ như là một món quà vui nhắc nhở mọi người trong làng giáo: Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Hãy tiết kiệm hơn nữa và hãy có ý chí vững vàng hơn nữa để vượt qua tất cả. Bởi vì chúng ta là những người yêu nghề mến trẻ !
Quế Hà
Bình luận (0)