Ông Đào Trung Chính cho biết: "Ngoài sổ đỏ thì chỉ cần có 1 trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (còn gọi là "giấy trắng") theo Điều 50 Luật Đất đai người sử dụng đất vẫn được thực hiện các quyền theo luật định".
Thực ra, vấn đề này đã được đặt ra ngay từ năm 2006, khi Nghị định 181/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) quy định thống nhất thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất bằng "sổ đỏ" từ 1.1.2007. Sau đó thì thời hạn này được kéo dài đến 1.1.2008 theo quy định tại Điều 66, Nghị định 84/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai), đồng thời với việc gia hạn thời điểm cuối cùng phải hoàn thành việc cấp "sổ đỏ" của Chính phủ. Quy định nhà đất giao dịch phải có "sổ đỏ" thực chất cũng không có gì là phức tạp và nó cũng không vượt ngoài các quy định của pháp luật hiện hành nhưng rắc rối chính là ở chỗ, tính đến hết năm 2007 cũng mới chỉ có 76,5% diện tích đất ở nông thôn và 62,2% tổng diện tích đất ở đô thị được cấp "sổ đỏ". Tức là một con số chưa đủ để thực hiện quy định trên một cách đại trà.
Ông Đào Trung Chính cho rằng, trên thực tế, người dân và cả cơ quan chức năng có thể đã hiểu chưa đầy đủ về Điều 66, Nghị định 84/CP nên mới phát sinh thắc mắc. Dẫn Điều 66, Nghị định 84, ông Chính giải thích: Từ trước đến nay, người sử dụng đất hợp pháp được cấp rất nhiều loại giấy tờ. Do vậy, cần phải thống nhất một loại giấy tờ hợp pháp khi giao dịch và việc ban hành quy định người dân sử dụng đất hợp pháp khi giao dịch phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là Nhà nước mong muốn mọi giao dịch nhà đất đều phải được đăng ký, nhằm thực hiện quyền và lợi ích của người dân. "Trong khoản 1, Điều 66 quy định, kể từ ngày 1.1.2008, người sử dụng đất phải có "sổ đỏ" mới được thực hiện giao dịch. Nhưng khoản 2 có đưa thêm 2 đối tượng vẫn được giao dịch gồm trường hợp người sử dụng đất đã nộp hồ sơ hợp lệ xin cấp "sổ đỏ" trước ngày 1.11.2007 mà chưa được cấp và trường hợp người sử dụng có 1 trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai" ông Chính nói - "Điều này có nghĩa là nếu tôi chưa làm hồ sơ xin cấp giấy mà có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì tôi vẫn được thực hiện các giao dịch bình thường. Trong trường hợp này, khi người dân đến cơ quan Nhà nước để đăng ký thực hiện các quyền thì cơ quan chức năng sẽ đồng thời với việc xét cấp giấy chứng nhận".
Như vậy, cái khó có lẽ chỉ xảy ra đối với những diện tích đất mà người sử dụng đất không có bất kỳ một loại giấy tờ nào để chứng minh nguồn gốc đất cũng như quyền sử dụng hợp pháp của mình. "Đối với những trường hợp đó sẽ bắt buộc phải có "sổ đỏ" mới được đăng ký giao dịch bảo đảm", ông Chính nói. Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2007), Quốc hội cũng đã ra nghị quyết trong đó đồng ý kéo dài thời gian hoàn thành cấp "sổ đỏ" trên cả nước đến năm 2010. Như vậy thì để thực hiện các giao dịch về nhà đất với 100% cơ sở pháp lý là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng sẽ phải kéo dài đến ít nhất là năm 2010. Tuy nhiên, ông Đào Trung Chính cũng khuyến cáo người dân nên thực hiện các giao dịch bảo đảm, nhất là với những giao dịch giá trị lớn như bất động sản, để được Nhà nước bảo hộ trong trường hợp có rủi ro xảy ra. Và đây cũng là một trong những biện pháp để đẩy nhanh hơn tốc độ đất được cấp "sổ đỏ".
Điều 66 Nghị định 84/CP: Thời hạn thống nhất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất bằng giấy chứng nhận 1. Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2008, người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này. 2. Trường hợp trước ngày 1 tháng 11 năm 2007 người sử dụng đất đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận và người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì vẫn được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. |
Tuyết Nhung
Bình luận (0)