Đi tìm khuôn mặt đã mất (*)

10/12/2004 11:20 GMT+7

Rất kỹ thuật nhưng không phải chỉ có kỹ thuật. Có cái gì đó vượt lên trên câu chuyện, lên trên kỹ thuật, lên trên các nhân vật, các dòng chữ. Người ta sẽ "hiểu" quyển sách này bằng một giác quan khác, có tính thấu thị. Vận dụng kỹ thuật đến tối đa, nhưng Trần Thị Ngọc Lan không để kỹ thuật chế ngự mình mà đã làm được điều ngược lại.

Nhân vật Tôi đã xâu chuỗi các sự kiện, để người đọc cùng khám phá thế giới bằng cặp mắt vừa ngây ngô vừa già cỗi của mình. Một xóm Phu Bòn với hai mươi nóc gia và một nỗi buồn u ám. Trong thế giới hoang vu mà cô khám phá, nụ cười và nước mắt cứ tan hòa vào nhau. "Phu Bòn ơi chỉ nước mắt là có thực đang nhỏ từng giọt trong tim chỉ có mình ta hả hê chỉ có mình ta biết". Cô gái mười sáu không thể đối thoại với người cha tục tằn chỉ biết chửi bới, không thể san sẻ với người mẹ chỉ biết lặng thinh chịu đựng, cô đặt lòng tin vào người thầy mà cô thần tượng: "Ông thầy của tôi cười ha hả, cười dữ dội từ mùa này sang mùa khác từ năm này sang năm khác… vừa cười vừa ân hận vì một niềm bất kính nào đó vừa cười vừa phát giác ra cái hư vô". Tiếng cười của ông là ánh nến trên hành trình xuyên qua cuộc nhân sinh còn quá cao vời so với kinh nghiệm sống ít ỏi của cô. Cô đã yêu một người đàn ông ba mươi tuổi: "Tôi yêu anh yêu thật sự yêu mê say tình yêu không tuổi tác không hôn nhân không sinh sôi không tuyệt diệt... Cuộc đời tôi miễn là có được anh ta thì cho dù tôi có bé mọn đi nghèo hèn đi chết chóc đi tôi cũng cam lòng".

Tình yêu đó không có hồi kết, vì nó chỉ được nung nấu mà không được cơ bộc lộ, chỉ có ở phía người này mà không có ở phía người kia. Thế nhưng nó đã giam cầm cô trong cuộc tự kỷ không thể thoát, khiến cô giày vò cả thế giới này: "Tình yêu không phải là ảo tưởng tình yêu là có thực đó là thứ tư tưởng cao siêu vĩnh cửu nhất của loài người" nhưng "Tôi thật xa lạ và thù địch với họ tôi là một con người khác ở một thế giới khác thế giới những kẻ đi săn nhưng không bao giờ chén thịt. Như kẻ đi săn lùng tình yêu nhưng chưa bao giờ chạm tới được tình yêu".Cái tình yêu không thể có đó lại giúp cô nhìn ra một tình yêu khác ở phía khác: "Cái vĩ đại của chúng ta là không bao giờ biết được ta là ai biết để làm gì sự đó có ý nghĩa gì vì chính nhờ sự không biết ấy mà ta sống". Cô đã đánh mất cái mà mình không có, sự mất mát này lại giúp cô khẳng định một điều còn vĩ đại hơn: "Họ không biết quên mà thực ra bí quyết vĩ đại nhất của đời sống là nghệ thuật quên. Quên là khởi điểm, quên là quá trình và quên cũng là mục đích... Phải vượt qua chính mình phải xóa sạch chính mình phải quên và quên vĩnh viễn". Lời của người thầy trở thành chân lý: "Lịch sử không bao giờ sai lầm chỉ có sai lầm của những người làm nên lịch sử". Cô gái mười sáu đã qua tuổi hai mươi, thoát khỏi những ảo tưởng và quay về cuộc sống thực: "Khi lát cuốc sắc lẹm của tôi bập vào đất tôi cảm thấy đất đau thậm chí khi nâng bát cơm lên sắp và vào miệng thì tôi chột dạ thấy hạt cơm hình như nó cũng đau", bởi cô đã nhận chân rằng "Nước mắt đọng thành vũng thành dòng thành suối suối đổ ra sông sông đổ ra biển rồi sẽ đi đâu ta chưa kịp biết thì đã phải từ giã cuộc đời...”. Và hơn bao giờ hết, cô ý thức về tất cả những gì đã làm: "Đó cũng là niềm đam mê lớn của tôi đam mê vượt qua đam mê được xóa bỏ chính mình... Tôi đi tìm một tình yêu đã mất một cuộc sống bình an đã mất những khuôn mặt đã mất". Cô đã hoàn tất cuộc khám-phá-để-phủ-định và đã hoàn thành sứ mạng, sau khi trao lại gánh nặng cho người đọc.

Có thể Phu Bòn là một thăm dò thành công không chỉ của Trần Thị Ngọc Lan mà của cả nền tiểu thuyết còn thiếu những tìm tòi hình thức của chúng ta. Bằng những câu cực dài, có khi gần cả trăm từ không ngắt, tác giả đã thành công khi đưa người đọc vào một thế giới tràn ngập tư duy không ngưng nghỉ, ở đó, con người không một phút nào không tự vấn và tự hủy. Để có thể tái tạo một thế giới mới.

(*) Đọc Phu Bòn, tiểu thuyết của Trần Thị Ngọc Lan, NXB Hội Nhà văn, 2004

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.