Vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận là với mức giá đất do Nhà nước quy định hiện nay, các doanh nghiệp (DN) phải đóng một khoản tiền sử dụng đất (SDĐ) quá lớn thì không thể nào kéo giá nhà đất giảm xuống như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách. Ông Võ Ngọc Châu, Giám đốc công ty xây dựng công trình giao thông 586 (Cần Thơ) cho biết, cách đây 3 năm, khi khởi động một dự án Nam sông Cần Thơ, số tiền SDĐ được tính toán công ty phải nộp là 18 tỉ đồng, nhưng đến nay, mức tiền SDĐ được ngành thuế tính toán để đóng cho dự án nói trên đã vọt lên gần 180 tỉ đồng! Ông Châu cũng cho biết, công ty 586 có làm nhiều dự án nhưng mỗi địa phương tính thuế khác nhau. Nhưng tựu trung, tiền SDĐ quá cao thì không thể nào không khiến giá đất tăng lên. Nhiều đại biểu cũng đồng tình với nhận định này và có cùng quan điểm: giá nhà đất trong tương lai sẽ còn tăng nữa!
Liên quan đến bảng giá đất, bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho rằng, bảng giá đất được ban hành tại TP.HCM trong 2 năm 2006-2007 chỉ ở mức 30% so với giá thị trường. Bà Nguyệt khẳng định, ban hành giá đất với mức như vậy là để cân đối hài hòa lợi ích cho nhiều đối tượng. Nếu nâng lên sát với giá thị trường thì người bị giải tỏa được lợi nhưng đối tượng phải nộp tiền SDĐ sẽ gặp nhiều khó khăn, các nhà đầu tư sẽ phá sản khi thuê đất sản xuất, kinh doanh. Bà Nguyệt đơn cử một vài kết quả khảo sát: một công ty dệt may nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7), hiện nộp tiền thuê đất là 645 triệu đồng/năm nhưng nếu nâng bảng giá đất lên sát giá thị trường thì công ty này phải nộp ít nhất là 2 tỉ đồng/năm. Một DN khác trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) nếu nộp tiền thuê đất theo bảng giá hiện tại là 700 triệu đồng/năm nhưng nếu giá đất nâng lên tiệm cận với giá thị trường thì sẽ phải nộp 2,8 tỉ đồng/năm. Hậu quả các DN sẽ phá sản là điều khó tránh khỏi - bà Nguyệt kết luận.
“Chính sách một giá đất áp dụng thống nhất cho 7 mục đích tài chính đã phát sinh những mâu thuẫn về lợi ích: Khi áp dụng giá mới để tính thuế SDĐ, thu tiền SDĐ, tính tiền thuê đất khi giao đất... thì người SDĐ "kêu cao", nhưng khi thực hiện bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thì người SDĐ lại "kêu thấp". Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)
Nhiều DN cũng phát biểu cho rằng, giá đền bù đất tại các dự án ngày càng tăng cũng khiến cho giá đất sau khi hoàn tất dự án tăng lên. Vấn đề giao cho DN "tự thỏa thuận với dân" khi đền bù đã khiến cho nhiều dự án bị ách tắc. Ông Huỳnh Đô, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đô thị - công nghiệp số 2 (D2D - Đồng Nai) đưa ra một ví dụ thành công về đền bù giải tỏa: D2D thực hiện một dự án khu dân cư - đô thị ở TP Biên Hòa và đã giải tỏa gần 500 hộ dân nhưng không có khiếu kiện. Bí quyết của D2D được ông Huỳnh Đô đưa ra tại hội thảo là: Phải xem người dân bị giải tỏa là nhà đầu tư thứ cấp và cùng chia tỷ suất lợi nhuận với người dân thông qua hình thức lấy đất nông nghiệp đổi lại đất có cơ sở hạ tầng với tỷ lệ thỏa đáng. Tuy nhiên, ông Đô cũng cho rằng, nhà đầu tư phải thực hiện nhanh dự án và có năng lực tài chính. Nếu dự án kéo dài quá lâu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khiến cho người dân bị giải tỏa gặp khó khăn về chỗ ở. Ông Nguyễn Văn Khởi, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư - kinh doanh nhà TP.HCM (Intresco) bức xúc: "Tại sao vấn đề đầu tư hệ thống điện, nước cũng phải do nhà đầu tư đảm trách? Đúng ra, việc này là do các ngành đầu tư và sau đó kinh doanh. Việc thực hiện thêm cơ sở hạ tầng điện, nước tại các dự án cũng khiến cho giá thành đất dự án tăng lên". Ông Khởi cho rằng, vòng đời của một dự án ít nhất phải 3-5 năm, có nhiều dự án phải kéo dài 7-8 năm, trong khi đó bảng giá đất cứ liên tục thay đổi hằng năm khiến các DN không thể nào xoay trở kịp. Vì thế mỗi khi thay đổi bảng giá đất, DN gặp rất nhiều khó khăn, phải thay đổi lộ trình đầu tư kinh doanh cho phù hợp.
* Hội thảo do Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Báo Pháp Luật TP.HCM và các Tạp chí Thị trường - Giá cả, Thị trường Bất động sản & tài sản phối hợp tổ chức.
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)