Cần bù nước đúng cách
Chiều qua, dù đã ngoài giờ hành chính, vẫn còn khá nhiều các ông bố - bà mẹ đưa trẻ đến Khám tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội). Một bà mẹ có con 12 tháng tuổi, nhà ở quận Đống Đa cho biết: “Cháu không sốt nhưng đi ngoài nhiều lần, lại nôn đã hai ngày nay. Gia đình lo nên đưa cháu đến khám". Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Mỗi ngày, khoảng 1.300 - 1.500 bệnh nhi được gia đình đưa đến khám. Tại thời điểm này, số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp tăng cao, chiếm khoảng 30% số bệnh nhi. Vi-rút Rota chiếm phần lớn nguyên nhân trong các ca tiêu chảy ở trẻ. Các ca tiêu chảy do vi-rút thường có biểu hiện ban đầu là nôn kèm tiêu chảy và có thể không sốt; còn nếu tiêu chảy có nguyên nhân do vi khuẩn, trẻ thường kèm theo sốt.
Việc sử dụng kháng sinh và thuốc cầm tiêu chảy cần theo đơn của bác sĩ. Nếu sử dụng không đúng, kháng sinh có thể làm rối loạn vi khuẩn đường ruột khiến bệnh nặng thêm. Tự ý dùng thuốc tiêu chảy cho trẻ, sẽ dẫn đến sử dụng không đúng chỉ định (bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư). |
Tương tự, tại Bệnh viện Xanh-Pôn, BS Hoàng Minh Thu, Trưởng khoa khám nhi cho biết: Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 600 bệnh nhi đến khám; 60% trong số đó khám về hô hấp, 25-30% do tiêu chảy. Tại thời điểm này tiêu chảy do Rota vi-rút tăng lên và cũng chiếm số đông các trường hợp mắc. Bệnh thường tăng vào mùa lạnh nên còn gọi là bệnh tiêu chảy mùa đông ở trẻ em.
"Việc đầu tiên cần làm khi chăm sóc trẻ tiêu chảy tại gia đình là bù nước oresol. Nhưng lưu ý, cần bù nước đúng cách để có hiệu quả" - BS Nhuận cho lời khuyên. Theo bác sĩ Nhuận: "Sau mỗi lần tiêu chảy, nếu trẻ dưới 1 tuổi, cần cho trẻ uống 50 ml nước oresol; nếu trẻ trên 2 tuổi, uống 100-200 ml/lần. Nhưng nên cho trẻ uống từng thìa nhỏ, ngụm nhỏ. Bù nước như vậy mới có thể thẩm thấu qua niêm mạc. Còn nếu cho trẻ uống từng ngụm lớn, có thể gây kích thích khiến trẻ nôn". Bác sĩ Nhuận cũng lưu ý, pha oresol cũng phải đúng cách: Cần đọc hướng dẫn, không nên chia nhỏ gói để pha nhiều lần. "Trong mỗi gói oresol, có chứa các muối cần đưa vào cơ thể. Nếu chia nhỏ, mỗi phần oresol được pha có thể không chứa đủ các thành phần muối cần thiết. Như vậy, việc bù nước không đủ thành phần sẽ kém hiệu quả. Sau khi pha, nước đó chỉ nên dùng trong vòng 24 giờ, nếu thừa cần bỏ đi, pha gói mới", bác sĩ Nhuận nói.
Người lớn có thể là nguồn lây
Rota vi-rút tồn tại trong môi trường, nhưng thường gây bệnh ở trẻ em vào dịp lạnh, bởi khả năng chống đỡ bệnh ở trẻ kém hơn. "Tuy nhiên, chính người lớn có thể nhiễm vi-rút mặc dù không có biểu hiện bệnh. Như vậy, chính cha, mẹ người chăm sóc trẻ có thể là nguồn lây sang trẻ" - bác sĩ Nhuận khuyến cáo. Việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ và vệ sinh ở người chăm sóc trẻ là rất cần thiết. Các đồ dùng cũng cần được đảm bảo sạch sẽ. Cùng với giữ vệ sinh, chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp trẻ có được sức đề kháng. Trường hợp trẻ bị ngộ độc thức ăn thì nôn và tiêu chảy sẽ tống chất gây độc ra ngoài. Nếu uống thuốc cầm tiêu chảy không đúng chỉ định, sẽ gây hại. Vì vậy, cùng là mắc tiêu chảy, nhưng cần được bác sĩ khám, xác định chính xác nguyên nhân để điều trị phù hợp.
Tại khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhi T.Ư, số trẻ nhập viện do tiêu chảy hiện cao hơn gấp 2-3 lần số giường bệnh (30 giường bệnh). Theo bác sĩ Nhuận: "Trẻ phải nhập viện khi ở tình trạng nặng: mất nước, rối loạn điện giải hoặc có kèm theo các bệnh khác: viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp. Nên lưu ý: trẻ tiêu chảy nhiều, mất nước gây rối loạn điện giải, sẽ nguy hiểm. Vì vậy, khi trẻ có các biểu hiện khát, môi khô, khóc yếu, mắt trũng, khóc không có nước mắt... cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay".
TP.HCM: Bệnh hô hấp nhập viện nhiều Tiết trời se lạnh và khô hanh ở phía Nam là thời điểm khiến các trẻ mắc các bệnh ở đường hô hấp nhiều hơn so với các bệnh khác. Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết: “Hai loại bệnh cần lưu ý ở thời điểm này là hô hấp và tiêu chảy.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê lưu ý các bà mẹ, thời điểm này đến Tết Nguyên đán cần giữ ấm cho trẻ nhỏ để phòng bệnh hô hấp; giữ vệ sinh, ăn uống sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy cấp cho các bé. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) thì khuyến cáo: “Thời điểm này cho đến Tết âm lịch, 3 bệnh thường xảy ra nhiều ở trẻ là trái rạ, quai bị và rubella, nhất là từ đầu tháng 1 đến tháng 2 dương lịch. Những ngày qua, trẻ mắc bệnh trái rạ bắt đầu vào lai rai”. Trong ngày 23.12 tại khoa Hô hấp 2 của bệnh viện có khoảng 120 bệnh nhi đang điều trị nội trú, trong khi số giường bệnh chỉ ngoài 70 giường, nên việc trẻ phải nằm giường đôi là không thể tránh khỏi. Trẻ 2-3 tuổi là độ tuổi dễ mắc các bệnh hô hấp khi trở trời, kế đó là cảm và nhiễm siêu vi”. Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng thông tin: “Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi giúp cho siêu vi phát triển khiến trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp nhiều hơn. Trong những ngày qua, bình quân mỗi ngày khoa Tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận trên dưới 30 trẻ vào viện. Trong 3 tuần đầu của tháng 12, đã có hơn 600 trẻ mắc tiêu chảy cấp nhập viện. Khoa có hơn 80 giường, nhưng những ngày qua, số bệnh nhi lúc nào cũng 110, 120 trẻ, có ngày cao điểm còn cao hơn nữa”. Còn bác sĩ Nguyễn Phương Hòa Bình – Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) lưu ý thêm: “Thời điểm này hằng năm, bệnh hô hấp liên quan đến hen suyễn xảy ra nhiều ở trẻ em”. Đúng như dự báo trước đó của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) về “tình hình bệnh tật xảy ra ở trẻ em trong tháng 12” là các bệnh đường hô hấp ở trẻ sẽ xảy ra nhiều khi thời tiết trở lạnh, trong những ngày qua, số trẻ vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để khám và điều trị bệnh hô hấp đã có hiện tượng gia tăng, bình quân mỗi ngày có trên 100 trẻ đến khám về bệnh hô hấp. Gặp nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Thanh Tùng |
Nam Sơn - Thúy Anh
>> Tiêu chảy mùa đông
>> Bệnh "hậu tiêu chảy"
>> Điều trị tiêu chảy tại nhà
>> Biện pháp nào phòng bệnh hô hấp cho trẻ?
>> Thời tiết chuyển lạnh gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ
Bình luận (0)