May thay, học được một tháng thì cô giáo bận không thể dạy được và tôi lại trở về với số phận tự học. Cuối cùng tôi cũng đến cái đích đi du học và có điểm TOEFL gần đạt mức 550. Qua Mỹ, tôi tiếp tục học tiếng Anh hai tháng trước khi vào học chính thức vì buộc phải có đủ 550 điểm TOEFL. Rồi vào năm học, tôi ngỡ ngàng nhận ra trong 10 câu mình nói ra có đến tám câu người nghe phải hỏi lại. Nhiều khi tôi nói một câu chỉ mấy chữ mà họ cũng không hiểu.
Nhiều cái sai trong phát âm đã bám vào tôi thâm căn cố đế vì tôi đã nói sai từ nhỏ mà giáo viên hoặc không nhận ra hoặc không đủ kiên nhẫn và thời gian sửa những lỗi phát âm này.
Sang Mỹ, tôi nhận ra cách học thích hợp cho mình chính là nằm nghe nhạc, coi phim (nhất là phim hoạt hình), đọc truyện tranh và đi tìm người nói chuyện gẫu. Những hoạt động có giao tiếp giúp việc học nhẹ như chơi, không bị căng thẳng khi nói, nhất là khi nói sai.
Nhiều bạn bè của tôi bỏ tiền để đi luyện các khóa nghe và nói mà không dám tự tin là họ học được kỹ năng đó dễ dàng nếu mỗi ngày dành khoảng 30 phút với một máy tính nối mạng. Nhiều trang báo, cụ thể là trang báo International Herald Tribune, bạn có thể nghe người ta đọc rồi lặp lại, khoanh tròn những từ mình đọc một đằng mà người bản xứ đọc một nẻo để lưu ý. Chữ nào cảm thấy thích thì tra từ điển để biết nghĩa, không thì thôi. Tôi tin ai cũng có thể tìm được một cách tự học ngoại ngữ nhẹ nhàng mà mau tiến bộ, tránh những lỗi phát âm thường mắc của người VN khi nói tiếng Anh.
Khi bạn cần kiến thức thật sự thì bản thân phải càng chủ động học tập, mọi cá nhân hay phương tiện bên ngoài chỉ là hỗ trợ phần nào cho quyết tâm của bạn. Dù học ở trung tâm cao cấp nhất, tốn cả núi tiền mà không tự học thì kiến thức cũng lẩn trốn bạn.
Theo Hồng Vân (ĐH West Virginia, Mỹ/Tuổi Trẻ)
Bình luận (0)