Giữa chốn phồn hoa đô hội, các món ăn cao lương mỹ vị ngày xưa lại trở thành thường nhựt trong các nhà hàng khách sạn. Có người sang trọng nhưng gốc gác chân đất, áo vải đôi khi thấy thèm, thấy nhớ món ăn mộc mạc thuở hàn vi. Đánh vào tâm lý đó, các quán ăn, nhà hàng đã đưa một vài món dân dã mang đậm phong vị quê hương, trong đó trái sung được thực khách ưa chuộng.
|
Cây sung sống rộng rãi và gần gũi với người dân quê chất phát. Hình ảnh trái sung trong câu ca dao xưa nhưng đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị:
Đói lòng ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng
Trái sung tên khoa học là Ficus carica. Theo y học, trong trái sung giàu phenol, axit béo, omega 3 và omega 6, tốt cho tim mạch. Chất xơ trong trái sung có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh như: ung thư gan mật, ruột kết và ung thư vú.
Trong thời gian khó, bà con đã tận dụng những món ăn gần như bỏ đi để cải thiện bữa ăn gia đình, từ đó món trái sung được chế nhiều món ăn như:
Dưa sung. Sung non xẻ đôi ngâm muối cho sạch mủ khoảng nửa giờ, rửa nước sạch, để ráo sau đó ngâm lại với nước cơm vo cùng với muối tùy theo nhiều hay ít. Thời gian ngâm 3 ngày 3 đêm là có thể dùng được. Món ăn đi kèm với dưa sung là mắm tôm chà. Khi ăn vào, ưu điểm của dưa sung vừa bùi vừa ngọt lại giòn và giảm đi vị mặn của mắm, tạo bữa ăn ngon, hấp dẫn.
Gỏi sung. Lựa một số sung non, hái xuống rửa sạch, gọt vỏ, xắc mỏng ngâm trong nước nóng, sau đó cho vào muối đá để đạt độ giòn. Gỏi sung được trộn chung với gỏi xoài và khô cá lóc nướng. Khi ăn, gỏi sung vừa bùi vừa làm mất vị chua của xoài, tạo thêm vị ngọt của cá lóc ăn hoài vẫn thấy thòm thèm.
Lá sung cuốn cá lóc. Hái những lá sung non có nhiều mắt, người ta gọi là đọt sừng, cho vào bụng cá lóc đã làm sạch, bên ngoài cũng dùng lá sung bọc cá lại cho lên lửa than nướng, từ từ cá chín. Thế là cá lóc, đọt sung bên ngoài lẫn bên trong đều tận dụng chấm với món muối tiêu chanh. Đọt sung cũng là món ngon khi luộc chấm nước cá kho.
Thanh Hương
Bình luận (0)