Thành công ấy đến khá bất ngờ và là kết quả từ nỗ lực rất bền bỉ của các thành viên tham dự khi phải tạm ngừng hội nghị để “cùng suy ngẫm” và kéo dài thời gian thương thảo để đạt được sự nhất trí cuối cùng. Việc ràng buộc tất cả các thành viên LHQ vào sự hợp tác để đi tới quyết định về thỏa thuận mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto và đề ra lộ trình hợp tác để đạt được mục tiêu ấy là bước tiến mới rất quan trọng và cách tiếp cận thực tiễn mà quá trình của Nghị định thư Kyoto không có được.
Cả bốn mảng nội dung được đề cập đến trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị cũng đi xa hơn cả Nghị định thư Kyoto. Với kết quả này, tất cả các thành viên LHQ cam kết hợp tác hành động bảo vệ khí hậu trái đất chứ không được lựa chọn như với Nghị định thư Kyoto, các nước công nghiệp phát triển xác nhận trách nhiệm không thể chối bỏ của họ nhưng đồng thời các nước đang phát triển cũng phải cam kết hành động nhiều hơn và hiệu quả thiết thực hơn trong bảo vệ môi trường.
Mặc dù không phải mọi yêu cầu của bên này hay phía kia đều đã được đáp ứng, chẳng hạn như việc đặt ra các chỉ tiêu cụ thể và có tính chất ràng buộc đối với từng thành viên LHQ, nhưng có thể nói Hội nghị Bali là dấu mốc mới trong nhận thức và hành động của cả nhân loại về bảo vệ trái đất và tạo cơ sở cho niềm tin về việc khởi động được một quá trình mới vừa tiếp nối những nội dung tích cực của Nghị định thư Kyoto vừa khắc phục được những điểm yếu trong các quy định về thực hiện nó. Việc thông qua được văn kiện là một chuyện, thực hiện nó lại là chuyện khác, với “Lộ trình Bali” rồi cũng sẽ như vậy.
La Phù
Bình luận (0)