Giải pháp nào vực dậy ngành du lịch?

20/12/2008 20:03 GMT+7

(TNO) Ngày 19.12, tại Mũi Né, UBND tỉnh Bình Thuận và Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và đã mời các chuyên gia về du lịch dự hội thảo đánh giá tác động của suy giảm kinh tế lên “ngành công nghiệp không khói”. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm vực dậy ngành du lịch.

Ông Pall Stoll, Tổng giám đốc Celadon International, từng quản lý thành công Furama resort (Resort 5 sao ở Đà Nẵng) cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, chúng ta phải tạo cho được một “con đường di sản thế giới” tại Việt Nam để thu hút sự chú ý của du khách. Mặt khác, phải tăng cường xúc tiến quảng bá, không chỉ theo mùa vụ, mà phải bền bỉ lâu dài.

 

Ông Paull Stoll tại hội thảo - Ảnh: Q.H

Ông Pall  Stoll cũng cho rằng, giống như một vài điểm du lịch khác của Việt Nam, Mũi Né đang rơi vào tình trạng “mùa vụ”. Trong khi đó, khí hậu, cảnh quan bờ biển và các điều kiện khác hoàn toàn có thể phát triển du lịch quanh năm.

“Tôi có ý tưởng muốn tổ chức một hội thảo về Các con đường di sản thế giới tại Việt Nam. Sẽ có trên 400 con đường di sản về văn hóa, du lịch đến Việt Nam. Hình ảnh Việt Nam sẽ được quảng bá khắp thế giới mà không phải mất nhiều chi phí” - ông Paull Stoll nói.

Ông Steve Raymond - Giám đốc điều hành Pandannus resort (Mũi Né) thì đưa ra nhiều giải pháp cụ thể hơn, “ai cũng nói Mũi Né là điểm đến. Nhưng thế nào là điểm đến thân thiện trong mắt du khách thì cả các công ty du lịch trong nước cũng như các hãng lữ hành chưa tìm được tiếng nói chung. Tại sao Đà Nẵng từng thành công với Con đường di sản miền Trung, còn Mũi Né lại chưa có một con đường như thế?”.

Ông Steve Raymond cho biết, ở Malaysia từng thành công với chương trình Đến Malaysia bằng con đường châu Á, tại sao Việt Nam lại không thể có một chương trình quảng bá như vậy?.

Theo đánh giá của các resort ở Mũi Né, hiện nay công suất phòng bình quân chỉ đạt một nửa. Nhiều hãng lữ hành đã không dám mua phòng dài hạn như trước đây vì sợ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tiếp tục tác động đến ngành du lịch.
Trong bối cảnh giảm sút lượng du khách hiện nay, với tư cách là người từng nhiều năm làm du lịch tại Thái Lan, ông Steve Raymond còn đề nghị: “Cần tăng cường phương pháp quảng bá, kể cả quảng bá truyền miệng. Người Thái Lan từng thành công trong chiến lược quảng bá với phương pháp này”.

Không chỉ yếu về nghiệp vụ du lịch, mà kết cấu hạ tầng ở một số nơi chính là hạn chế phát triển du lịch giữa các vùng liên kết với nhau, gây khó cho du khách. Và đây chính là một trong những lý do khách quốc tế không trở lại Việt Nam.

Với kinh nghiệm của một hãng lữ hành chuyên đưa khách Nga đến Mũi Né, ông Igor - Tổng giám đốc Công ty Lantar Ánh Dương phản ánh,“trên con đường từ Đà Lạt về Mũi Né, có một quãng đường gần Nhà máy Thủy điện Đại Ninh chỉ chừng 20 cây số, nhưng du khách vật vã mất hơn một tiếng đồng hồ mới qua được”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa nhận định: “Để níu chân du khách và muốn họ trở lại với chúng ta một lần nữa thì không chỉ đòi hỏi tính phục vụ chuyên nghiệp, mà còn phải biết phát huy văn hóa truyền thống, coi trọng nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến chất lượng chứ không phải số lượng, bởi 85% khách quốc tế đến Việt Nam là vì điều này”.

Ở góc độ một nhà quản lý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Thu góp ý: Tại sao xăng dầu giảm giá mà giá các dịch vụ du lịch không giảm? Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay của ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần tính đến chuyện giảm giá. Vì đó là một giải pháp hiệu quả để thu hút khách.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.