"Vua bãi nổi" là tên mà báo chí đặt cho cái công khai phá bãi bồi sông Hồng của ông Thiệu, thương binh bậc 3/4, ngụ tại phường Tứ Liên, Tây Hồ (Hà Nội). Nhờ đó mà ông từng được chọn đi dự hội nghị thương binh làm kinh tế giỏi, được xem là "điển hình tiên tiến" của thủ đô. Song các cựu binh lại nhắc nhiều đến ông vì những thành tích đạt được trong chiến đấu: nhiều danh hiệu dũng sĩ, đặc biệt là chiến công bắn rơi hơn 10 máy bay Mỹ (được đơn vị, cấp trên xác nhận).
Bị "nói xấu"?
Ông Thiệu bên tấm biển "Chân lý chỉ có một" do ông tự làm trước cửa nhà mình
Ngày 5/10/1995, Bộ Tư lệnh Quân khu V có văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông Thiệu. Tuy nhiên sau đó, việc phong tặng danh hiệu cứ bị đình hoãn. Mới đây, qua tìm hiểu, ông Thiệu mới vỡ lẽ nguyên do việc này xuất phát từ ý kiến của bốn người cùng phường ông ở. Họ cho rằng ông lấn chiếm đất đai, bị kỷ luật Đảng, chống đối chính quyền. Một người trong số đó còn nhận mình là chỉ huy của ông Thiệu trong chiến đấu và phủ nhận chiến công của ông.
Cho rằng mình bị vu khống, đầu tháng 12/2005, ông Thiệu đã đệ đơn lên TAND quận Tây Hồ đòi bốn người kia phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm với số tiền 4 tỉ đồng!
Trao đổi với PV, ông Thiệu cho biết thêm, nhiều người ở địa phương không ưa ông vì từ khi ông xuất ngũ trở về đã dám nói lên sự thật, tố cáo các quan chức vi phạm pháp luật. Cho đến thời điểm này, từ sự tố cáo của ông, bốn chủ tịch, ba bí thư Đảng ủy đã phải mất chức và loại trừ khỏi Đảng, thậm chí ra tòa...
Kiện vì danh dự
Tại đơn khởi kiện, ông Thiệu nêu đích danh bốn người đã "có hành vi vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự" của ông. Cụ thể, ông Hoàng Văn Thìn, theo ông Thiệu là đã "giả danh là chỉ huy lãnh đạo tôi trong cuộc chiến đấu, phủ nhận toàn bộ chiến công của tôi". Ông Thiệu khẳng định không ai có thể phủ nhận công văn của Thường vụ Đảng ủy Quân khu V và thành tích bắn rơi máy bay của ông. Ông còn chi biết, tháng 4/2003 ông đã gửi đơn
"Tôi kiện không phải để đòi hỏi danh hiệu, bởi nếu tôi xứng đáng Nhà nước sẽ trao tặng. Tôi đi chiến đấu không mong muốn sẽ trở thành anh hùng mà chỉ thực hiện trách nhiệm của một người yêu nước. Bây giờ tôi muốn tất cả sự thật phải được làm sáng tỏ ra, bởi trong tim, phổi, đầu tôi vẫn còn nguyên những mảnh đạn từ thời chiến tranh. Sự bịa đặt, vu khống không chỉ xúc phạm danh dự của tôi mà còn bôi nhọ cả đồng đội, chỉ huy của tôi. Nếu tôi không làm rõ việc này, sau này chết đi, con cháu sẽ oán bởi người đời dị nghị có người cha, người ông vi phạm pháp luật. Biết tin tôi kiện, nhiều đồng đội rất ủng hộ". |
Người thứ hai bị kiện là ông Nguyễn Bá Diên, nguyên Chủ tịch UBND phường Tứ Liên. Theo ông Thiệu, ông Diên đã "ký công văn bịa đặt việc ông lấn chiếm đất đai và bị kỷ luật Đảng". Ông Thiệu nói rằng Thanh tra TP Hà Nội và Thành ủy Hà Nội kết luận rằng ông không bị kỷ luật và những thành tích làm kinh tế của ông là có thực.
Người thứ ba bị kiện là ông Phạm Duy Thực. Theo ông Thiệu, ông Thực đã buộc cho ông tội chống chính quyền. Trong biên bản một cuộc họp, ông Thực đã phát biểu: Từ khi ông Thiệu về địa phương cho đến nay đã làm cho bốn đồng chí chủ tịch và ba đồng chí bí thư Đảng ủy bị khai trừ ra khỏi Đảng". Ông Thiệu khẳng định việc dũng cảm tố cáo sai phạm của lãnh đạo địa phương khiến họ bị cơ quan chức năng kỷ luật, thậm chí có người phải ra tòa cần phải được biểu dương, khen thưởng chứ không thể coi là hành vi chống chính quyền.
Người thứ tư bị kiện là bà Đặng Thị Huyền Thái, nguyên Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ. Theo ông Thiệu, bà Thái đã ký công văn bịa đặt dựng ông Thìn là chỉ huy ông, bác bỏ thành tích trong chiến đấu của ông để gửi lên cấp trên.
Ông Thiệu và người đồng đội cùng chiến hào của mình - ông Đài, đã được phong anh hùng |
Và 4 tỉ đồng
Theo ông Thiệu, lý do đòi bồi thường 4 tỉ đồng là: mất danh dự và không được hưởng lương anh hùng từ năm 1995 đến 2005; ngày công lao động bình thường từ năm 1995 đến 2005; tổn thất tinh thần do bị sốc vì suy nghĩ quá nhiều nên phải đi cấp cứu tại bệnh viện; tiền thuốc men, tiền đánh máy đơn từ và tiền tổn thất về danh dự. Ngoài ra, ông còn yêu cầu được xét xử công khai tại UBND phường và được xin lỗi trên báo, đài.
Theo ông, "mức bồi thường trên là không nhiều, bởi danh dự bị bôi nhọ, xuyên tạc quá lớn, không tiền nào mua được. Tôi có đầy đủ bằng chứng chứng minh rằng mình không hề làm gì vi phạm pháp luật...".
(Theo Báo Pháp luật TP.HCM)
Bình luận (0)